5 thương vụ mua lại "khủng" khiến thế giới ngỡ ngàng: Nhiều người ngẩn ngơ khi thấy cả vùng trời kỷ niệm đã bị xóa sổ

Kienzeratul Spiderum, Theo Helino 19:15 27/03/2018

Có lẽ, tin tức đáng chú ý nhất trong ngày hôm qua chính là việc Uber tuyên bố từ bỏ thị trường Đông Nam Á bằng việc sát nhập toàn bộ dịch vụ của mình với đối thủ trực tiếp, Grab. Tiện đây, hãy cùng điểm qua những thương vụ mua bán đình đám khác trên thế giới, từng khiến không ít người phải cảm thấy bất ngờ.

1. Google khởi đầu kỷ nguyên chia sẻ video trực tuyến bằng việc sát nhập Youtube

Bối cảnh diễn ra vào năm 2006, thời điểm mà Google lúc này đã xác lập được vị thế trở thành một trong những công cụ tìm kiếm hàng đầu thế giới, bên cạnh đối thủ truyền kiếp là Yahoo! Còn riêng với Youtube, dù chỉ là một startup mới nổi nhưng đã đạt được những thành công nhất định, với nền tảng chia sẻ video trực tuyến có số lượng người dùng đông đảo nhất thế giới. Tuy vậy, Youtube vào thời điểm đó vẫn chỉ đang ở giai đoạn phát triển cơ bản, và mặc dù đạt được nhiều thành tựu nhưng công ty vẫn chưa phát sinh được mức lợi nhuận mong muốn. Nhằm ngăn chặn sự nhòm ngó từ nhiều đối thủ tiềm năng, việc Google quyết định thâu tóm và sát nhập Youtube trở nên hoàn toàn có cơ sở.

5 thương vụ mua lại khủng khiến thế giới ngỡ ngàng: Nhiều người ngẩn ngơ khi thấy cả vùng trời kỷ niệm đã bị xóa sổ - Ảnh 1.

Vào ngày 09/10/2006, Google tuyên bố đã chính thức thâu tóm được Youtube, vượt qua rất nhiều ông lớn khác như Microsoft hay Yahoo!, với mức giá rơi vào khoảng 1,65 tỷ USD.

Hai CEO của Youtube, Chad Hurley và Steve Chen, đã sáng lập ra nền tảng video số này nhằm phục vụ nhu cầu của cộng đồng mong muốn được thưởng thức đa dạng các loại hình giải trí trên mạng Internet. Cả hai cùng dành nhiều tháng trời để thuyết phục các công ty truyền thông lớn có thể tận dụng nền tảng Youtube để quảng cáo, từ đó gia tăng lợi nhuận nhờ số lượng người xem luôn cao ngất ngưởng. Bù lại, họ sẽ cung cấp những nội dung giải trí với bản quyền đầy đủ, thay thế dần các kênh truyền hình truyền thống. Hồi tháng 8/2006, số lượng người xem trên các kênh của Youtube đạt đến mức khổng lồ, hơn 72 triệu người. Chính từ điều này mà Google đã quyết định nhảy vào cuộc chơi và không ngần ngại thực hiện thương vụ mua bán sát nhập thuộc dạng táo bạo nhất thế giới công nghệ thời bấy giờ.

Vào ngày 09/10/2006, Google tuyên bố đã chính thức thâu tóm được Youtube, vượt qua rất nhiều ông lớn khác như Microsoft hay Yahoo!, với mức giá rơi vào khoảng 1,65 tỷ USD (tương đương với 37.537 tỷ đồng), từ đó chính thức bước chân vào mảng video trực tuyến mà trước đây họ luôn bỏ sót. Ông Eric Schmidt, CEO của Google vào thời điểm ấy, nhận xét: "Đây chính là bước tiến tiếp theo của cuộc cách mạng Internet". Cùng chia sẻ niềm vui ấy, Chad Hurley nói: "Tôi tin tưởng rằng, thương vụ hợp tác này sẽ giúp chúng tôi có thêm nhiều sự lựa chọn cũng như nguồn lực để theo đuổi mục tiêu xây dựng một nền tảng đa phương tiện thế hệ mới dành cho nhân loại".

Giá cổ phiếu của Google nhờ đó tăng thêm 8,5 USD và đạt đỉnh 429 USD tại thị trường chứng khoán Mỹ (tương đương gần 9,8 triệu đồng một cổ phiếu) do ảnh hưởng tích cực đến từ nhà đầu tư sau khi thương vụ sát nhập trên diễn ra. Về sau, như chúng ta đã rõ, đây trở thành một quyết định đầu tư vô cùng đúng đắn khi cả Google và Youtube giờ đều có những bước phát triển đột phá, trở thành những ông lớn dẫn đầu ngành công nghệ thông tin trong lĩnh vực công cụ tìm kiếm và chia sẻ video trực tuyến.

2. Facebook mua lại Whatsapp

Nhằm chiếm lĩnh thị trường tin nhắn trực tuyến trên cả nền tảng Web lẫn điện thoại di động, Facebook đã đi một nước cờ táo bạo là mua lại Whatsapp – một ứng dụng nhắn tin trực tuyến – vào năm 2014 với giá trị thương vụ lên tới 19 tỷ USD (tương đương 432 nghìn tỷ đồng). Vào thời điểm đó, Whatsapp đang có trong tay khoảng 450 triệu người dùng, vượt xa so với những đối thủ tiềm năng như Skype (Microsoft), Twitter hay thậm chí là Google. Theo khảo sát của OnDevice Research, Whatsapp là ứng dụng nhắn tin thông dụng và phổ biến nhất trên điện thoại di động.

Việc thâu tóm Whatsapp không chỉ giúp Facebook chiếm lĩnh thị trường tin nhắn di động đang ngày một cạnh tranh khốc liệt, mà còn thúc đẩy sự phát triển của Messenger – một ứng dụng nhắn tin độc lập do chính Facebook tự phát triển. Hiện tại nó đang đứng ngay sau Whatsapp về thị phần ứng dụng nhắn tin trên điện thoại di động. Nhận xét về những gì mà Whatsapp đạt được kể từ khi thành lập, Mark Zuckerberg, CEO đương nhiệm của Facebook, đã chia sẻ một cách ngắn gọn rằng: "Chưa có công ty nào có thể làm được một điều gì khủng khiếp đến như thế".

5 thương vụ mua lại khủng khiến thế giới ngỡ ngàng: Nhiều người ngẩn ngơ khi thấy cả vùng trời kỷ niệm đã bị xóa sổ - Ảnh 2.

Nhằm chiếm lĩnh thị trường tin nhắn trực tuyến trên cả nền tảng Web lẫn điện thoại di động, Facebook đã đi một nước cờ táo bạo là mua lại Whatsapp – một ứng dụng nhắn tin trực tuyến – vào năm 2014 với giá trị thương vụ lên tới 19 tỷ USD

Nói qua về Whatsapp, như ta đều biết ứng dụng này sẽ thay thế tin nhắn SMS thông thường, tiết kiệm chi phí nhắn tin do sử dụng Internet làm phương tiện kết nối người dùng, thay vì phụ thuộc vào mạng viễn thông đơn thuần. Việc giao tiếp bằng văn bản giữa mọi người trở nên thuận tiện hơn rất nhiều khi có thể được thực hiện ở bất cứ đâu cũng như bất cứ thời điểm nào.

Như một phần của thương vụ sát nhập, khoảng 4 tỷ USD (khoảng 91 nghìn tỷ đồng) được Facebook thanh toán bằng tiền mặt cho bên Whatsapp, còn lại 12 tỷ USD (khoảng 273 nghìn tỷ đồng) sẽ được thanh toán dưới dạng cổ phiếu của Facebook. Ban giám đốc cùng đội ngũ nhân viên của Whatsapp cũng được nhận thêm số cổ phiếu trị giá 3 tỷ USD (khoảng 68 nghìn tỷ đồng) nếu như họ quyết định ở lại làm việc cho Facebook trong vòng 4 năm kể từ khi việc sát nhập hoàn tất. Và thực tế là Jan Koum, CEO Whatsapp khi đó, cũng đã được cất nhắc vào một vị trí lãnh đạo trong Ban điều hành của Facebook.

3. eBay thâu tóm nền tảng thanh toán trực tuyến PayPal

Vào năm 2002, eBay, một trong những nền tảng thương mại điện tử lớn nhất thế giới thời điểm đó, tuyên bố đã sát nhập PayPal và biến nó trở thành phương tiện thanh toán chủ lực của hãng. Giá trị thương vụ ước tính rơi vào khoảng 1,5 tỷ USD (tương đương 34 nghìn tỷ đồng). Bên cạnh đó, eBay cũng chính thức hủy bỏ Billpoint, công cụ thanh toán trực tuyến được eBay sử dụng với mục đích ban đầu là để cạnh tranh trực tiếp với chính PayPal.

PayPal là một công cụ thanh toán hết sức hiệu quả, khi cho phép người dùng có thể mua bán hàng hóa dịch vụ trên mạng mà không cần đến thẻ tín dụng. Phần lớn doanh thu của công ty này đến từ những giao dịch phát sinh trên chợ điện tử eBay. Điều này đồng nghĩa với việc một khối lợi nhuận khổng lồ đã trôi khỏi túi của doanh nghiệp vận hành nền tảng thương mại điện tử này, vì thế việc thiết yếu mà eBay cần phải làm đó là đối phó lại với tình trạng trên. Tuy đã đưa vào hệ thống thanh toán Billpoint từ những năm 1999 và không ngừng quảng cáo chúng đến với người tiêu dùng nhưng việc giành giật thị phần với PayPal dường như là bất khả thi. Và quyết định mua lại chính đối thủ tiềm tàng của mình từ eBay lại trở nên hoàn toàn dễ hiểu.

5 thương vụ mua lại khủng khiến thế giới ngỡ ngàng: Nhiều người ngẩn ngơ khi thấy cả vùng trời kỷ niệm đã bị xóa sổ - Ảnh 3.

Vào năm 2002, eBay, một trong những nền tảng thương mại điện tử lớn nhất thế giới thời điểm đó, tuyên bố đã sát nhập PayPal và biến nó trở thành phương tiện thanh toán chủ lực của hãng.

Với việc sát nhập giữa nền tảng thương mại điện tử hàng đầu thế giới và công cụ thanh toán trực tuyến thông dụng nhất thế giới, cả eBay và PayPal đều hưởng lợi, khi mà số lượng giao dịch mua bán trực tiếp trên eBay tăng lên chóng mặt, với thời gian xử lý đơn hàng hứa hẹn nhanh chóng và thuận tiện hơn. Bằng chứng là chỉ trong khoảng hơn chục năm từ khi sát nhập đến năm 2015, giá trị thương hiệu của PayPal đã tăng gấp đôi, từ 50 tỷ lên 100 tỷ USD (tương đương 2,2 triệu tỷ đồng). Còn eBay cũng dần xác lập và củng cố được vị thế cạnh tranh bình đẳng với nhiều ông lớn thương mại điện tử khác trên thị trường, như Amazon chẳng hạn.

Đáng tiếc, mối lương duyên này đã đi đến hồi kết kể từ sau năm 2015, do có nhiều bất đồng về cách điều hành cũng như quản lý giữa đôi bên. Tuy vậy, PayPal vẫn giữ mối quan hệ bền chặt với eBay, mà cụ thể là nó vẫn được coi là phương tiện thanh toán trực tuyến được yêu thích nhất trên hệ thống chợ điện tử này, không chỉ với khách hàng mà kể cả những nhà cung cấp. Để lấp vào khoảng trống mà PayPal để lại, mới đây eBay đã bắt tay với Adyen, một công ty của Hà Lan, để hỗ trợ người dùng trong việc thanh toán trực tuyến khi mua hàng.

4. Verizon chấm dứt sự tồn tại "lay lắt" của Yahoo!

Tập đoàn viễn thông Verizon, có trụ sở tại Mỹ, đã tuyên bố mua lại Yahoo! vào ngày 13/06/2017 với mức giá 4,48 tỷ USD (tương đương 102 nghìn tỷ đồng), qua đó chấm dứt 22 năm tồn tại của tượng đài một thời về lĩnh vực công cụ tìm kiếm và quản lý thư điện tử này. Yahoo sẽ cùng với AOL, ông lớn Internet một thời, được xếp chung vào một mảng kinh doanh riêng của Verizon, lấy tên gọi là Oath. Dự kiến Oath sẽ thu hút khoảng 1,3 tỷ người dùng mỗi tháng và Verizon hi vọng mảng kinh doanh mới này sẽ giúp tập đoàn thu hút được nhiều khách hàng hơn, trong bối cảnh lĩnh vực quảng cáo trực tuyến đang chịu sự cạnh tranh gay gắt đến từ hai ông lớn Google và Facebook.

Kết cục này âu cũng là điều tất yếu, sau khi Yahoo! đã mắc phải rất nhiều sai lầm trong quá trình cạnh tranh với Google để trở thành công cụ tìm kiếm được ưa chuộng nhất thế giới. Việc sa đà vào thu hút quảng cáo cũng như tích hợp quá nhiều chức năng không cần thiết như Yahoo! News đã khiến Yahoo! mất dần vị thế của một ông lớn và liên tục tỏ ra lạc hậu so với thời đại mới.

5 thương vụ mua lại khủng khiến thế giới ngỡ ngàng: Nhiều người ngẩn ngơ khi thấy cả vùng trời kỷ niệm đã bị xóa sổ - Ảnh 4.

Tập đoàn viễn thông Verizon đã tuyên bố mua lại Yahoo! vào ngày 13/06/2017 với mức giá 4,48 tỷ USD, qua đó chấm dứt 22 năm tồn tại của trang tìm kiếm nổi tiếng một thời này.

CEO của Yahoo!, bà Marissa Mayer, đã quyết định từ chức sau khi thương vụ mua bán trên được hoàn tất. Tuy không thể giúp công ty trụ vững trước sức ép cạnh tranh nhưng Mayer vẫn được nhận khoản tiền đền bù trị giá 246 triệu USD (tương đương 5,6 nghìn tỷ đồng) sau khoảng thời gian 5 năm dẫn dắt doanh nghiệp này. Trong lá thư tạm biệt gửi tới nhân viên Yahoo!, bà Mayer đã viết: "Nhìn lại quãng thời gian làm việc tại Yahoo, tôi nhận thấy chúng ta đã phải đương đầu với vô số thách thức kinh doanh dường như không thể đong đếm nổi, cùng với đó là những thăng trầm cũng như ngã rẽ khác nhau. Nhưng tận sâu trong thâm tâm mình, tôi luôn coi quãng thời gian được làm việc cùng các bạn là một vinh dự to lớn trong cuộc đời".

Có lẽ, với những ai đã từng gắn bó tuổi thơ mình với những đoạn chat trên Yahoo! Messenger, đây quả thực là một tin rất buồn đối với một tượng đài công nghệ.   

5. Disney và 21st Century Fox "về chung một nhà"

Với những ai yêu thích điện ảnh Mỹ, có lẽ việc Disney thâu tóm Fox trở thành một trong những đề tài được quan tâm một cách đặc biệt. Thương vụ này đã đánh dấu một kỷ lục mới trong lịch sử nền điện ảnh xứ cờ hoa, với việc Disney đã chịu chi ra con số khổng lồ là 52,4 tỷ USD (tương đương 1,2 triệu tỷ đồng) để mua lại toàn bộ xưởng phim 20th Century Fox, hệ thống truyền hình cáp, kênh truyền hình National Geographic cùng với các tài sản khác liên quan, vốn thuộc quyền sở hữu của tập đoàn gia đình tỷ phú Rupert Murdoch. Toàn bộ giá trị thương vụ được thanh toán dưới dạng cổ phiếu, và nhờ đó mà cổ đông cũ của Fox sẽ sở hữu khoảng 25% cổ phần của Disney.

Tuy nhượng lại toàn bộ mảng sản xuất phim ảnh vốn là thế mạnh của mình, hãng Fox quyết tâm giữ lại bộ ba kênh truyền hình được ưa chuộng, đó là Fox Sports, Fox News và Fox Television Stations trước khi lập ra một doanh nghiệp riêng có tên gọi là Công ty truyền hình Fox. Dự kiến sau khi bước vào hoạt động, công ty sẽ mang về doanh thu hàng năm khoảng 10 tỷ USD (khoảng 227 nghìn tỷ đồng) với mức lợi nhuận đạt trên 2,8 tỷ USD (tức 63 nghìn tỷ đồng).

5 thương vụ mua lại khủng khiến thế giới ngỡ ngàng: Nhiều người ngẩn ngơ khi thấy cả vùng trời kỷ niệm đã bị xóa sổ - Ảnh 5.

Disney đã chịu chi ra con số khổng lồ là 52,4 tỷ USD (tương đương 1,2 triệu tỷ đồng) để mua lại toàn bộ xưởng phim 20th Century Fox.

Việc mua lại 21st Century Fox không những củng cố vị thế của Disney như một hãng phim hàng đầu tại Hollywood, mà còn nhờ vào đó thúc đẩy sự phát triển về cả số lượng lẫn chất lượng các thể loại phim mà hãng sản xuất. Điều này sẽ giúp đáp ứng được nhu cầu đang ngày một tăng cao của thị trường quốc tế, như cách mà tỷ phú Rupert Murdoch đã nhận xét: "Chúng tôi tự hào khi được chứng kiến 21st Century Fox lớn mạnh qua từng ngày, và tôi tin chắc rằng, sự hợp tác giữa Fox và Disney sẽ mang đến nhiều giá trị tích cực cho cổ đông, trong bối cảnh thị trường điện ảnh đang trở nên hết sức sôi động. Dưới sự dẫn dắt tài tình của Bob Iger, CEO của Disney, tập đoàn sẽ trở thành một trong những công ty lớn mạnh nhất thế giới. Tôi cảm thấy biết ơn khi Bob quyết định tiếp tục ở lại cống hiến và dõi theo quá trình hợp nhất này, và hi vọng ông cùng công ty sẽ đạt được nhiều thành công trong những năm kế tiếp".

5 thương vụ mua lại khủng khiến thế giới ngỡ ngàng: Nhiều người ngẩn ngơ khi thấy cả vùng trời kỷ niệm đã bị xóa sổ - Ảnh 6.

 Thỏa thuận này cũng cho phép Disney thay thế Fox đại diện số vốn cổ phần hiện tại ở các tập đoàn truyền thông khác, cụ thể là 30% cổ phần tại Hulu, 50% cổ phần tại Endemol Shine Group cũng như 39% cổ phần tại Sky – hãng truyền hình vệ tinh nổi tiếng ở Châu Âu. Giờ đây, Disney có thể tự tin lấn sân vào lĩnh vực sản xuất các nội dung truyền hình, vốn đang là cuộc cạnh tranh gay gắt giữa các nhà đài truyền thống với các dịch vụ streaming mới nổi, mà cụ thể chính là Netflix.

Nguồn: Tổng hợp