5 nhầm lẫn phổ biến của chị em khi xem bóng đá - đọc ngay để cổ vũ Olympic Việt Nam một cách tự tin hơn

T.O.P, Theo Helino 15:17 29/08/2018

Bóng đá không chỉ là trò chơi nơi một đám con trai đuổi theo trái bóng tròn.

Đội tuyển Olympic Việt Nam với nòng cốt là các cầu thủ từ tuyển U23 tại Thường Châu đã một lần nữa làm nên lịch sử, khi vào đến bán kết ASIAD 2018

Trận bán kết được dự đoán là thử thách khó khăn với Olympic Việt Nam, vì đối thủ lần này của chúng ta rất mạnh - những anh chàng đến từ xứ củ sâm Hàn Quốc. Nhưng dĩ nhiên khi niềm tự hào dân tộc đã lên cao thì dù có mang cả thế giới đến đây, tinh thần quyết thắng của tuyển Việt Nam vẫn sẽ hừng hực, không bao giờ bỏ cuộc.

5 nhầm lẫn phổ biến của chị em khi xem bóng đá - đọc ngay để cổ vũ Olympic Việt Nam một cách tự tin hơn - Ảnh 1.

Văn Toàn và pha ăn mừng sau khi ghi bàn vào lưới Syria

Cơ mà đâu đó trong dòng người hô vang "Việt Nam vô địch", vẫn có những con nai vàng ngơ ngác vừa hô vừa chẳng hiểu mô tê gì đang xảy ra. "Ơ phạt thẻ à, thế có penalty không?"; "Cái ông mặc áo đen chạy lung tung kia thuộc đội nào?"... là những câu hỏi khó chấp nhận với người đam mê bóng đá, nhưng không lạ với ai chỉ xem vì niềm tự hào dân tộc.

Và thực tế khó chối bỏ là dù không phải tất cả, nhưng đa phần các câu hỏi ấy đến từ các chị em phụ nữ - những người ít khi quan tâm đến trái bóng tròn.

Thế nên để các chị em yên tâm hơn khi cổ vũ cho tuyển Việt Nam, tránh quay sang hỏi những câu "ngáo ngơ" và dễ bị kỳ thị, thì dưới đây là lời giải đáp cho những hiểu nhầm cơ bản nhất mà các chị em vẫn thường gặp khi nói về môn thể thao vua.

1. Thẻ vàng, thẻ đỏ là penalty?

Rất nhiều lần bản thân người viết từng phải nghe câu hỏi: Thẻ đỏ à, có penalty không? Sao penalty mà "thằng" kia không bị thẻ đỏ?

Để trả lời ngắn gọn thì việc nhận thẻ vàng hay thẻ đỏ không liên quan gì đến penalty, và ngược lại cũng vậy.

Trong bóng đá, thổi phạt ở đâu thì sẽ đá phạt ở đó. Bóng ra biên có ném biên, bóng ra biên ngang thì đá phạt góc. Phạm lỗi ở ngoài vòng cấm (vùng 16m50 - các vùng kẻ ô trước 2 khung thành) thì được đá phạt, còn trong vòng cấm mới có penalty.

Thẻ vàng, thẻ đỏ chỉ là 2 công cụ để phạt khi lỗi của bạn nặng hơn bình thường. Trong đó, thẻ vàng là để cảnh cáo, thẻ đỏ là để truất quyền thi đấu - hay nói một cách dân dã là... đuổi cầu thủ ra khỏi sân. 2 thẻ vàng sẽ tương đương với 1 thẻ đỏ.

Hiểu chưa nhỉ, tiếp nhé.

2. Bóng đá là trò chơi mà một lũ con trai cùng đuổi theo 1 quả bóng?

Quan niệm này thực ra cũng đúng, nhưng chỉ là khi các chị em đang sống ở thời... Trung Cổ thôi. Còn trong bóng đá hiện đại, mỗi đội bóng đều có chiến thuật, và mỗi con người đều có nhiệm vụ và vị trí quan trọng trong chiến thuật ấy.

5 nhầm lẫn phổ biến của chị em khi xem bóng đá - đọc ngay để cổ vũ Olympic Việt Nam một cách tự tin hơn - Ảnh 3.

Bóng đá là một trận chiến của chiến thuật, của kỹ thuật, của thể lực và ý chí con người

Hãy hiểu một cách cơ bản nhất là cầu thủ bây giờ không đuổi theo bóng. Họ phải giữ vị trí, rồi di chuyển theo chiến thuật đã đề ra, đến vị trí thuận lợi để nhận bóng. Tất cả đều có ý đồ, cho đến khi đưa được bóng vào goal là thành công.

Bóng đá là một trận chiến của chiến thuật, của kỹ thuật, thể lực và ý chí của con người. Đó là lý do vì sao nó được ví là môn thể thao vua.

3. 4-4-2, 4-3-3... những con số ấy có nghĩa là gì?

Đó đơn giản chỉ là những cái tên của các đội hình được áp dụng trong trận đấu thôi.

Trong đó, những con số từ trái sang phải sẽ lần lượt là số hậu vệ (cầu thủ đá phòng ngự, phía trên thủ môn), số tiền vệ (cầu thủ đá giữa sân, phía trên hậu vệ), và số tiền đạo (cầu thủ tấn công).

Ví dụ: đội hình 4-4-2 sẽ gồm 4 hậu vệ, 4 tiền vệ và 2 tiền đạo. Tương tự 4-3-3 sẽ là 4 hậu vệ, 3 tiền vệ và 3 tiền đạo.

Tổng các con số trong đội hình phải là 10, thủ môn là vị trí mặc định, không cần nêu ra.

4. Việt vị là gì mà không chơi xấu cũng ăn phạt?

Đây có lẽ là một trong những câu hỏi thường gặp nhất. Mà cũng nên thông cảm cho các chị em, đến anh chàng Jinđô (Itto) trong truyện tranh ngày xưa cũng có biết việt vị là gì đâu.

Để hiểu việt vị là gì, bạn cần bỏ qua vị trí thủ môn. Khi ấy, hãy hiểu việt vị đơn giản là khi cầu thủ nhận bóng đứng dưới người cuối cùng của đội bạn, tính từ thời điểm bóng rời chân người chuyền.

5 nhầm lẫn phổ biến của chị em khi xem bóng đá - đọc ngay để cổ vũ Olympic Việt Nam một cách tự tin hơn - Ảnh 4.

Cầu thủ cao nhất đội xanh đã ở vị trí việt vị, vì ở thời điểm bóng được chuyền đi vẫn đang đứng dưới người cuối cùng của đội đỏ

Không phải lúc nào quy luật ấy cũng đúng. Nếu đó là một đường chuyền về, thì dù người nhận có đứng dưới cầu thủ cuối cùng đội bạn cũng không bị tính là việt vị. 

5 nhầm lẫn phổ biến của chị em khi xem bóng đá - đọc ngay để cổ vũ Olympic Việt Nam một cách tự tin hơn - Ảnh 5.

Ở đây thì không việt vị, vì đó là đường chuyền về

Ngoài ra, luật việt vị chỉ áp dụng sau khi đã qua vạch giữa sân. Có nghĩa là nếu ở phần sân nhà, thì dù có đứng dưới cầu thủ cuối cùng đội bạn cũng không có vấn đề gì.

5. Cứ thổi phạt trong vòng cấm là penalty

Câu trả lời thì không hoàn toàn là như vậy đâu, bởi đó có thể là một quả phạt gián tiếp.

Phạt gián tiếp là hình thức phạt dành cho các lỗi liên quan đến kỹ thuật. Chẳng hạn, thủ môn thả bóng xuống rồi lại nhặt lên, dùng tay bắt do đồng đội chuyền về bằng chân, hoặc đôi khi là do hành động câu giờ (tùy nhận định của trọng tài).

Ví dụ rõ ràng nhất chính là quả phạt gián tiếp mà U23 Việt Nam đã từng được hưởng trước Qatar trong trận bán kết giải U23 châu Á diễn ra tại Thường Châu. Khi đó, thủ thành đội bạn đã bắt quả bóng do đồng đội đá về, và dẫn đến quả phạt đó.

5 nhầm lẫn phổ biến của chị em khi xem bóng đá - đọc ngay để cổ vũ Olympic Việt Nam một cách tự tin hơn - Ảnh 6.

Ai còn nhớ quả phạt này?

Khi thực hiện quả phạt này, cầu thủ không được phép trực tiếp sút bóng, mà phải thông qua một lần chạm của cầu thủ khác nữa. Nếu sút trực tiếp mà thành bàn thì cũng không được công nhận.