5 nguy cơ sức khỏe bạn phải đối mặt khi cơ thể rơi vào trạng thái căng thẳng thường xuyên

Đoan Trang, Theo Trí Thức Trẻ 10:38 26/05/2017

Áp lực học tập, căng thẳng việc làm gây ra nhiều bệnh hơn bạn tưởng đấy.

Các bệnh huyết áp, tim mạch

Căng thẳng khiến cho lượng cortisol trong cơ thể được sản sinh ra nhiều hơn, làm co thắt các mạch máu và đẩy nhanh nhịp tim. Lâu dần có thể dẫn đến bệnh cao huyết áp mãn tính đồng thời nguy cơ mắc các bệnh về tim cũng cao hơn. Nếu tình trạng này kéo dài liên tục sẽ dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng hơn cho sức khoẻ.

5 nguy cơ sức khỏe bạn phải đối mặt khi cơ thể rơi vào trạng thái căng thẳng thường xuyên - Ảnh 1.

Dễ tăng cân

Khi rơi vào căng thẳng, hormone cortisol tăng cao làm tăng cảm giác thèm ngọt và chất béo. Đó chính là lí do vì sao mỗi lần căng thẳng hay thèm ăn vặt. Hơn nữa cortisol còn khiến cơ thể lưu trữ chất béo và tích mỡ nhiều hơn nên không chỉ gây tăng cân mà còn là nguyên nhân lớn gây béo bụng.

Do đó, nếu để tình trạng căng thẳng kéo dài thì bạn sẽ rất khó kiểm soát cân nặng lẫn vóc dáng của mình.

Mất ngủ

Cơ thể rơi vào tình trạng căng thẳng sẽ khiến cho melatonin, một loại hormone mang lại giấc ngủ ngon bị giảm sút hẳn nên bạn rất khó đi vào giấc ngủ và ngủ không ngon. Tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến các rối loạn về giấc ngủ, suy nhược thần kinh, thể chất, ảnh hưởng não và dễ dẫn đến trầm cảm.

5 nguy cơ sức khỏe bạn phải đối mặt khi cơ thể rơi vào trạng thái căng thẳng thường xuyên - Ảnh 2.

Đau đầu, giảm trí nhớ

Các chất như adrenalin và cortisol tăng lên khi cơ thể rơi vào trạng thái căng thẳng có thể gây ra những thay đổi về mạch máu từ đó dẫn đến chứng đau đầu hoặc đau nữa đầu.

Ngoài ra, lượng cortisol trong cơ thể tăng cao có thể giết chết, làm teo và ngừng sản sinh các nơ-ron thần kinh, cản trở khả năng hình thành trí nhớ mới của não bộ. Điều này sẽ làm cho bạn khó khăn trong việc tập trung suy nghĩ giải quyết vấn đề hoặc hạn chế khả năng ghi nhớ thông tin.

Nguy cơ tiểu đường tuýp 2 tăng cao

Tiểu đường là một căn bệnh nguy hiểm có thể gây tổn hại hệ tuần hoàn và các cơ quan then chốt của cơ thể thậm chí có thể gây đột quỵ, mù lòa, cắt cụt các chi… Và một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến bệnh tiểu đường là do căng thẳng gây ra. Bởi khi cơ thể căng thẳng quá mức sẽ gây rối loạn sự cân bằng glucose khiến lượng đường trong máu tăng cao.

5 nguy cơ sức khỏe bạn phải đối mặt khi cơ thể rơi vào trạng thái căng thẳng thường xuyên - Ảnh 3.

Một số biện pháp giảm căng thẳng hiệu quả:

- Uống một ngụm nước, nghỉ ngơi, thư giãn vài phút giữa những buổi làm việc căng thẳng.

- Trò chuyện với người khác là cách giúp giải tỏa căng thẳng hiệu quả.

- Yoga, thiền hoặc các hoạt động thể chất khác đều có ích cho những người thường xuyên gặp áp lực trong cuộc sống.

- Viết nhật ký, đọc sách hoặc tham gia các hoạt động sở thích khác cũng giảm căng thẳng hiệu quả.