5 năm sau thảm họa chìm phà Sewol, điện ảnh Hàn "lên tiếng": Đã đến lúc cần đối diện với nỗi đau!

THUY LE, Theo Helino 13:59 16/04/2019

Tròn 5 năm sau tai nạn hàng hải nghiêm trọng nhất lịch sử Hàn Quốc - vụ đắm phà Sewol, điện ảnh Hàn mới thật sự cất lên tiếng nói buộc người ở lại phải đối mặt sự thật đau lòng.

Ngày 16/04/2014, chiếc phà Sewol chở 450 hành khách trong đó chủ yếu là học sinh trường Trung học Danwon đã bị lật trên đường từ Incheon đến Jeju. Hơn 300 người chết và mất tích khiến vụ việc trở thành tai nạn hàng hải lớn nhất trong lịch sử Hàn Quốc, để lại nỗi đau không thể xóa nhòa cho những người ở lại. Đáng nói, công tác cứu nạn chậm trễ của các nhà chức trách cùng những góc khuất trong công tác điều tra dưới thời tổng thống Park Geun Hye đã gây nên làn sóng phẫn nộ mạnh mẽ trong nhân dân mà đặc biệt là thân nhân của những người bị nạn.

5 năm sau thảm họa chìm phà Sewol, điện ảnh Hàn lên tiếng: Đã đến lúc cần đối diện với nỗi đau! - Ảnh 1.

Phà Sewol chìm mang theo khoảng 300 sinh mạng.

5 năm sau thảm họa chìm phà Sewol, điện ảnh Hàn lên tiếng: Đã đến lúc cần đối diện với nỗi đau! - Ảnh 2.

Nhiều buổi biểu tình của người dân đã diễn ra, chỉ trích chính quyền đương thời tắc trách trong không khí đau buồn vì nỗi đau mất đi quá nhiều người.

5 năm qua, đã có nhiều bài hát, phim tài liệu về phà Sewol nhưng phải đến năm nay, phà Sewol mới chính thức lên màn ảnh rộng, góp mặt vào các tác phẩm văn hóa đại chúng. Hôm nay, 16/04/2019, tròn 5 năm kể từ ngày phà Sewol chìm xuống kéo theo sinh mệnh của hơn 300 người, chúng ta cùng xem điện ảnh Hàn đã tái hiện ký ức đau thương này như thế nào trong hai tác phẩm vừa lần lượt công chiếu: Jo Pil Ho: The Dawning RageBirthday.

Jo Pil Ho: The Dawning Rage - Bóc trần thế giới khắc nghiệt và giả tạo của "người lớn"

Jo Pil Ho: The Dawning Rage (tên khác: Bad Police) của đạo diễn Lee Jeong Boom xoay quanh gã cảnh sát tồi Jo Pil Ho (Lee Sun Kyun). Gã đã nhận hối lộ nên là một cảnh sát tồi, nhưng cũng chính gã đã sát cánh bên cạnh Mina (Jeon So Mi), một nữ sinh có bạn mất trong tai nạn phà Sewol, trong cuộc chiến với những kẻ vô trách nhiệm và tàn nhẫn đích thực, bảo vệ một tâm hồn lạc loài giữa thế giới khắc nghiệt của "người lớn".

Trailer của "Jo Pil-ho: The Dawning Rage"

"Lũ khốn các người tự nhận mình là người lớn cơ đấy." là câu thoại đầy cay nghiệt và ấn tượng của nữ sinh Mina, hàm chứa rõ ràng ý chỉ trích những kẻ tự nhận mình là trưởng thành nhưng chẳng những không thể bảo vệ nổi những đứa trẻ vô tội mà còn trực tiếp làm những chuyện khiến thế giới trở nên ngày càng tồi tệ.

5 năm sau thảm họa chìm phà Sewol, điện ảnh Hàn lên tiếng: Đã đến lúc cần đối diện với nỗi đau! - Ảnh 5.

Jeon So Mi trong vai nữ sinh Mina căm ghét những người lớn vô trách nhiệm.

Thực tế, trong 450 hành khách trên phà Sewol, có 339 người đến từ trường Trung học Dawon, và kết cục chỉ 75 học sinh cùng 3 giáo viên được cứu sống. Khi tàu bắt đầu chìm, loa đã liên tục phát đi thông báo "Đừng di chuyển" khiến cho nhiều hành khách ngồi tại chỗ và mất đi cơ hội sống. Cuộc điều tra sau vụ việc cũng hé lộ nhiều điểm bất thường, đơn cử như việc tổng thống lúc đó là Park Geun Hye đã ở suốt trong phòng riêng cho đến chiều muộn trong khi những người phụ trách liên lạc được với bà vào khoảng 10:20 sáng, chỉ 10 phút trước khi phà Sewol chìm hẳn. Chưa kể vụ việc còn dính líu đến những móc nối đằng sau của các công ty và chính trị gia. Có thể nói câu thoại của Jo Pil Mo chứa đựng hàm ý chỉ trích sâu sắc và nhằm trực tiếp vào những "người lớn" vô trách nhiệm trong thực tế.

5 năm sau thảm họa chìm phà Sewol, điện ảnh Hàn lên tiếng: Đã đến lúc cần đối diện với nỗi đau! - Ảnh 6.

Jo Pil Mo có thể từng là một gã cảnh sát tồi, nhưng gã là một trong số ít "người lớn" có lương tâm.

Tuy nhiên, Jo Pil Mo: The Dawning Rage không được đánh giá cao về mặt nội dung. Dù đã dũng cảm đưa Sewol vào mạch phim, vụ việc tỏ ra không ăn khớp với những phần nội dung còn lại. Trong phim, có một phân cảnh bố của học sinh đã mất trong vụ lật phà vì quá đau khổ mà có ý định tự sát nhưng may có cảnh sát kịp thời ngăn cản. Khoảnh khắc người cha bật khóc vì căm giận thế giới quá bất công và hình ảnh lớp học trong ngôi trường trung học Dawon hiện lên như một chốn thiêng liêng cho linh hồn của các nạn nhân yên nghỉ thật sự khiến khán giả phải nghẹn lòng. Nhưng đáng tiếc tất cả chỉ có thế! Bộ phim hoàn toàn có thể để người bạn của nữ chính chết vì một loại tai nạn khác mà cốt truyện vẫn không bị ảnh hưởng. Nhưng họ đã chọn phà Sewol, và khách quan mà nói ngoại trừ những phân cảnh liên đới trực tiếp khá ít ỏi, vụ tai nạn chỉ như một "công cụ" điểm xuyết thêm cho mạch phim chứ không mang đến giá trị thông điệp rõ ràng.

5 năm sau thảm họa chìm phà Sewol, điện ảnh Hàn lên tiếng: Đã đến lúc cần đối diện với nỗi đau! - Ảnh 7.

Yoo Kyung Geun, một người phát ngôn của Hội đồng Gia đình nạn nhân Sewol đã đăng tải lên Facebook dòng nhận xét: "Tác phẩm cho ta thấy cách tốt nhất để tỏ lòng cảm thông với Sewol là nổi giận. Vụ việc nhắc nhở chúng ta về điểm khởi đầu của sự thối nát của tổng thống Park và rằng chúng ta phải tiếp tục giận dữ để loại bỏ tất cả những điểm bất thường và phơi bày sự thật." Như thế, tuy chưa thật sự truyền đi thông điệp rõ ràng, Jo Pil Mo: The Dawning Rage chí ít cũng đã góp một trong những tiếng nói tiên phong của điện ảnh về ký ức kinh hoàng của người dân Hàn Quốc.

Birthday - Câu chuyện nhân văn về những người ở lại

Trái với Jo Pil Mo: The Dawning Rage, Birthday (Sinh Nhật) nhận nhiều bình luận tích cực vì đã thành công truyền tải một câu chuyện đầy cảm xúc với thông điệp nhân văn rõ ràng. Tác phẩm xoay quanh đôi vợ chồng Jung Il (Sol Kyung Gu) và Sun Nam (Jeon Do Yeon) trong những tháng ngày cố gắng vượt qua nỗi đau mất đi cậu con trai lớn trong vụ chìm phà. Không cường điệu hóa nỗi đau, Birthday đã thành công khắc họa nỗi đau của những người ở lại. Đó là một người bố luôn dằn vặt vì không thể bảo vệ con trai mình, đó là một người mẹ cứ bám víu mãi vào những hồi ức tốt đẹp trong quá khứ và mong mỏi đứa con trai cô không bao giờ còn được chạm vào.

Trailer của "Birthday"

Phim mang đến câu chuyện về một gia đình bình thường đang gánh chịu bất hạnh nhưng dần học cách chấp nhận nó và tiến lên. Nỗi đau vẫn còn đó, nhưng người sống vẫn phải sống tiếp, với những kí ức về người đã ra đi được trân trọng trong tâm trí. Nhiều khán giả công nhận Birthday, buồn bã một cách sâu sắc, đã khắc họa chân thật nỗi đau và cố gắng sống hạnh phúc của những người ở lại. Như người mẹ Sun Nam trong Birthday, dù không thể chạm hay gặp mặt, cô tìm cách "đến gần" con trai mình hơn bằng cách tổ chức cho cậu một bữa tiệc sinh nhật nơi mọi người đến và trò chuyện.

5 năm sau thảm họa chìm phà Sewol, điện ảnh Hàn lên tiếng: Đã đến lúc cần đối diện với nỗi đau! - Ảnh 9.
5 năm sau thảm họa chìm phà Sewol, điện ảnh Hàn lên tiếng: Đã đến lúc cần đối diện với nỗi đau! - Ảnh 10.

Birthday là một câu chuyện đủ chân thật về những con người bình thường đang cố vượt qua nỗi mất mát bất ngờ ập xuống.

Từng nhân vật trong Birthday đều mang một nét cá tính riêng, mỗi người một câu chuyện, liên kết giữa họ là cậu bé Soo Ho. Họ nhớ cậu rất nhiều, nhưng không chỉ vì việc đau lòng, mà họ nhớ cậu cả trong những ngày tháng hạnh phúc và tươi vui nhất. Birthday lần nữa nhắc lại thông điệp muôn thuở mà vẫn vẹn nguyên sức truyền cảm: Người có thể đi, nhưng kí ức còn ở lại mãi mãi trong trái tim những người yêu thương mình.

5 năm sau thảm họa chìm phà Sewol, điện ảnh Hàn lên tiếng: Đã đến lúc cần đối diện với nỗi đau! - Ảnh 11.

Những người ở lại cố gắng sống tiếp và trân quý hồi ức đẹp về người đã ra đi như một cách giữ họ bên cạnh mình.

5 năm nhìn lại, đã đến lúc đối mặt với nỗi đau để truy cầu công lý đích thực

Vào ngày 15/04, "Liên minh người dân về lời hứa ngày 16/4" vừa công bố danh sách 17 quan chức chính phủ phải chịu trách nhiệm về vụ tai nạn thảm khốc của phà Sewol do những hành vi vô trách nhiệm và những góc khuất chưa được phơi bày triệt để dưới thời tổng thống Park Geun Hye. Mặt khác, cũng đã có hơn 120.000 người dân ký tên ủng hộ kiến nghị đăng tải trên trang chủ Phủ Tổng thống, yêu cầu Chính phủ Hàn Quốc điều tra lại toàn bộ thảm họa chìm phà Sewol và xử phạt những người có trách nhiệm.

5 năm sau thảm họa chìm phà Sewol, điện ảnh Hàn lên tiếng: Đã đến lúc cần đối diện với nỗi đau! - Ảnh 12.

Một nhóm công dân phát biểu yêu cầu tái điều tra thảm kịch Sewol tại quảng trường Gwanghwamun ngày 12/4/2019.

Trong chính bối cảnh người dân bắt đầu hành động quyết liệt để tái điều tra toàn bộ sự việc, điện ảnh Hàn cũng đã "nhập cuộc" bằng cách riêng của mình, dùng ngôn ngữ điện ảnh để bóc trần thế giới, tái hiện nỗi đau và động viên khát vọng sống. Nhằm tưởng nhớ các nạn nhân, một số cơ sở giáo dục đã chọn Birthday để chiếu trong buổi lễ tưởng niệm. Phòng giáo dục Gangwon sắp xếp một khoảng thời gian tưởng niệm kéo dài đến 30/4 và đồng thời khuyến khích nhân viên xem Birthday. Phòng giáo dục Đô thị Ulsan đã quyết định tổ chức một buổi chiếu phim Birthday cho toàn thể nhân viên.

5 năm sau thảm họa chìm phà Sewol, điện ảnh Hàn lên tiếng: Đã đến lúc cần đối diện với nỗi đau! - Ảnh 13.

Người dân xếp thành hình chiếc ruy băng vàng trước Gwanghwamun Plaza ngày 14/4/2019 để tưởng nhớ các nạn nhân trong thảm kịch.

Đưa thảm kịch lên màn ảnh rộng trước nay luôn là con dao hai lưỡi bởi khó mà chu toàn được việc truyền tải trọn vẹn ý đồ của phía sản xuất mà không làm chạnh lòng người thân của những nạn nhân xấu số. Nhưng trong trường hợp của vụ chìm phà Sewol, chí ít Birthday đã làm được điều đúng đắn. Việc đưa phà Sewol trở thành chủ đề chính trong một tác phẩm thương mại có thể xem là một minh chứng nữa cho việc Hàn Quốc cuối cùng đã có thể trực tiếp đối mặt với ký ức kinh hoàng năm nào. Nỗi đau mất đi hàng trăm sinh mạng trẻ vẫn sẽ còn mãi đó, trở thành vết nhơ không thể gột sạch trong lịch sử hàng hải cũng như lịch sử chính trị Hàn Quốc, nhưng có lẽ đã đến lúc người ta ngừng việc tránh nhắc về nó để trực diện đối mặt, để đào sâu vào những góc tối đằng sau mà truy cầu công lý đích thực, buộc những người có liên đới phải chịu trách nhiệm, cũng chính là kiếm tìm công bằng cho người thân của các nạn nhân.

Tạm kết

Hai tác phẩm, hai màu sắc khác biệt, hai cách tiếp cận hoàn toàn khác nhau, nhưng cả hai đều đã góp phần vào tiếng nói tiên phong của điện ảnh Hàn trước một tai nạn khiến người ta đau đớn khi nhớ về và được kỳ vọng là chất xúc tác khiến mọi người luôn dành sự quan tâm cho những bất cập còn bỏ ngỏ trong tai nạn phà Sewol. Xin mượn lời người mẹ Sun Nam trong Birthday: "Chúng ta sẽ không bao giờ quên con đâu." Chúng ta nói chung và người dân Hàn Quốc nói riêng, hẳn sẽ không bao giờ quên đã có những sinh mạng, nhiều trong số đó còn quá trẻ, đã ra đi trong một tai nạn thảm khốc như thế. Không chỉ không thể quên, mà còn phải nhớ sâu sắc, để thảm cảnh như vậy không lặp lại một lần nào nữa.

5 năm sau thảm họa chìm phà Sewol, điện ảnh Hàn lên tiếng: Đã đến lúc cần đối diện với nỗi đau! - Ảnh 14.

"Chúng ta, sẽ không bao giờ quên đâu."