4 thứ các nhà làm phim đã và đang "lòe" chúng ta về các bệnh thần kinh

Thiên Dung, Theo Trí Thức Trẻ 23:00 24/12/2016

Biết là phim ảnh vốn "ảo tung chảo" nhưng nhiều lúc cũng cần bóc mẽ những chiêu trò hư cấu trên phim mà chúng ta xem.

Dường như mất trí nhớ, đa nhân cách là những mô típ mà các nhà làm phim rất ưa dùng để tạo nên cao trào cho câu chuyện của mình. Và để gỡ rối cho mớ hỗn độn mà biên kịch tạo ra, thỉnh thoảng các nhân vật chỉ việc ngất xỉu hay đánh vào đầu nhau là bỗng nhiên mọi kí ức đều quay lại cả.

Thật vi diệu đúng không? Trên thực tế không bao giờ có chuyện đó đâu, toàn là hư cấu cả đấy. Và không chỉ một, các nhà làm phim vẫn thường xuyên lòe chúng ta về những căn bệnh này.

1. Tình yêu có thể chữa được chứng rối loạn lưỡng cực

Nàng Tiffany (Jennifer Lawrence thủ vai) của phim "Silver Linings Playbook" đã mắc phải chứng rối loạn lưỡng cực sau cái chết của người chồng. Nhưng sau đó cô gặp được Pat – một người cũng đang trải qua những khủng hoảng thần kinh sau khi bị vợ anh phản bội. 

Tình yêu của hai người cứ thế chớm nở và đâm hoa kết trái, còn 2 nhân vật chính thì khỏi bệnh như chẳng có gì xảy ra, mà cũng chẳng thấy thuốc men gì hết nữa.

4 thứ các nhà làm phim đã và đang lòe chúng ta về các bệnh thần kinh - Ảnh 1.

Tình yêu giúp đôi trẻ chữa khỏi bệnh tật

Đồng ý là một mối quan hệ lành mạnh có thể ảnh hưởng tích cực đến tình trạng bệnh lý thần kinh. Nhưng cái chuyện chỉ có tình yêu là khỏi bệnh mà không cần đến sự trợ giúp của bác sĩ và thuốc men thì quả thực là... hoang đường, nhất là với một bệnh như rối loạn lưỡng cực (bipolar disorder) - chứng bệnh mãn tính khiến người bệnh gần như phải điều trị suốt đời.

2. Đập vào đầu là bao nhiêu trí nhớ đã mất ngay lập tức quay trở lại

Loki trong phim Avenger có một cây gậy khá là bá đạo. Chỉ cần chạm vào tim, nó có thể biến bất kỳ ai trở thành nô lệ của mình. Đến Hawkeye - một siêu anh hùng chính nghĩa còn là nạn nhân.

Nếu nhìn theo góc nhìn khoa học, cây gậy của Loki có một tác động nào đó đến não bộ, khiến trí nhớ của nạn nhân biến mất. Nhưng điểm "max hư cấu" ở đây là khi Black Widow đánh vào mặt anh một cái thật mạnh, anh lập tức lấy lại trí nhớ của mình.

4 thứ các nhà làm phim đã và đang lòe chúng ta về các bệnh thần kinh - Ảnh 2.

Siêu anh hùng như Hawkeye cũng lâm vào đường cùng nếu gặp Loki

Trí nhớ là sự biến đổi một cách bền vững trong cấu trúc thần kinh, do các mARN tổng hợp nên. Biến đổi này được duy trì trong suốt đời sống cá thể.

Trí nhớ có thể mất đi do tuổi tác, do tổn thương não. Khi trí nhớ mất đi, chúng ta buộc phải kích thích các neuron thần kinh sản sinh ra protein "trí nhớ" mới thay thế cho cái cũ. Và khoa học hiện chỉ có thể sử dụng thuốc, chứ không thể có bất kỳ kích thích bên ngoài nào giúp được quá trình này cả.

Điều này có nghĩa rằng, việc "gõ" vào đầu một cái hoàn toàn không có tác dụng lấy lại trí nhớ đâu.

3. Một người có thể mắc nhiều hội chứng rối loạn tâm thần cùng một lúc

Trong phim Black Swan, vị biên kịch... có tâm nhất hệ mặt trời đã cho nhân vật Nina phải chịu đựng rất nhiều chứng rối loạn tâm thần cùng một lúc, bao gồm: biếng ăn, rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) và cuối cùng là tâm thần phân liệt khi tưởng tượng ra nhiều thứ không thực.

4 thứ các nhà làm phim đã và đang lòe chúng ta về các bệnh thần kinh - Ảnh 3.

Người đã mắc tâm thần phân liệt

Trên thực tế, một con người không thể có cùng nhiều chứng bệnh như thế cùng một lúc được. 

Người mắc OCD có những ý nghĩ, lo lắng hay ám ảnh không có lý do chính đáng và phải thực hiện một số hành động nhất định mới cảm thấy bớt căng thẳng. Do đó, họ luôn để ý đến thực tại. 

Còn người bị tâm thần phân liệt thường bị hoang tưởng, nhìn thấy hay nghe thấy những thứ hoàn toàn không có thực. Họ bị mất liên hệ với thực tại. Vì thế, bác đạo diễn đã "đi xa quá" rồi.

4 thứ các nhà làm phim đã và đang lòe chúng ta về các bệnh thần kinh - Ảnh 4.

... Không thể bị OCD khi mà cô ấy luôn muốn mọi thứ hoàn hảo

4. Dùng sức mạnh ý chí có thể khỏi bệnh tâm thần phân liệt

John Nash trong phim A Beautiful Mind bị mắc căn bệnh tâm thần phân liệt khi liên tục nhìn thấy những con người và trải qua những sự kiện không có thật. 

Ông đã dùng sức mạnh ý chí của mình, quyết tâm "lờ" những người đó đi để có thể tiếp tục nghiên cứu và giảng dạy. Cách này có thật làm cho bệnh tình thuyên giảm hay không?

4 thứ các nhà làm phim đã và đang lòe chúng ta về các bệnh thần kinh - Ảnh 5.

Người bị tâm thần phân liệt luôn nhìn thấy những thứ không có thật

Câu trả lời là không! Tâm thần phân liệt là chứng bệnh thần kinh do sự tiết ra quá mức dopamine ở não. Điều đáng buồn là bệnh này cần phải được điều trị suốt đời và bắt buộc phải có sự can thiệp của thuốc men thì bệnh nhân mới giảm được các triệu chứng, do chất kia tác động trực tiếp đến não bộ.

Do đó, không có chuyện bệnh nhân dùng sức mạnh ý chí để khỏi bệnh được đâu.

Nguồn: Cracked