Hơn 4 tháng và 3 nỗi đau quá lớn của người Paris: Lần lượt Khải Hoàn Môn, tháp Eiffel đến Nhà thờ Đức Bà chìm trong khói lửa

Đạt Lê, Theo Helino 08:08 17/04/2019

Đối với những ai yêu nước Pháp và yêu di sản văn hóa, hơn 4 tháng vừa qua là nỗi kinh hoàng khi các công trình vĩ đại lần lượt chìm trong khói lửa mịt mù ở Paris.

Trước mỗi công trình biểu tượng bị tàn phá bởi ngọn lửa hung tàn, người dân Pháp ban đầu chết lặng, rồi lại nguyện cầu và động viên nhau để tìm kiếm sự lạc quan. Thế nhưng đã 3 lần họ phải trải qua nỗi mất mát quá lớn: di sản chịu tổn thương, những kí ức và niềm tự hào không còn nguyên vẹn... Điều đó giống như những vết thương chưa lành da lại tiếp tục chảy máu, khiến cho toàn thế giới đều xót xa. 

Ngày 1/12/2018: Khải Hoàn Môn huyền thoại chìm trong khói lửa và đổ vỡ sau cuộc biểu tình lớn nhất thập kỷ ở Paris

Từ Thứ bảy ngày 1/12, một số người trong nhóm biểu tình Áo vàng đã gây náo loạn trung tâm thủ đô Paris. Biểu tượng Khải Hoàn Môn cũng không thoát khỏi tình trạng phá hoại nghiêm trọng, đây được xem là sự kiện bất ổn nhất thủ đô kể từ năm 1968. 

Nhóm người quá khích đã bôi bẩn những bức tường Khải Hoàn Môn với dòng khẩu hiệu kêu gọi Tổng thống Macron từ chức. Còn bên trong Khải Hoàn Môn, bức tượng Marianne - biểu tượng của tự do, bình đẳng và hữu nghị cũng bị đập vỡ một góc mặt! 

Hơn 4 tháng và 3 nỗi đau quá lớn của người Paris: Lần lượt Khải Hoàn Môn, tháp Eiffel đến Nhà thờ Đức Bà chìm trong khói lửa - Ảnh 2.

Suốt nhiều tối cuối tuần trong tháng 11 đến tận 1/12, nhóm quấy phá lại tập trung trước Khải Hoàn Môn, thậm chí dùng chướng ngại vật nhóm lửa, ném bom khói... Khải Hoàn Môn - địa danh lịch sử từng vinh danh chiến thắng của nước Pháp, bên dưới là mộ nhiều người lính hi sinh trong Thế chiến thứ nhất, vậy mà vào tháng 12 năm ngoái lại trở thành "nạn nhân" của biểu tình và bạo lực.

Đến nay sau nhiều nỗ lực bảo vệ, dù nhóm Áo vàng vẫn còn tuần hành ôn hòa ở nhiều nơi, nhưng các công trình kiến trúc biểu tượng đã được gìn giữ thành công khỏi các hành động "thảm sát di sản".

Ngày 29/12/2018: Sau Khải Hoàn Môn, đến lượt tháp Eiffel chìm trong khói đen ngùn ngụt của biểu tình đốt phá suốt đêm

Vào tuần thứ bảy liên tiếp của cuộc biểu tình Áo vàng, Paris và nhiều thành phố lớn của Pháp lại chìm trong khói lửa. Tại thủ đô, hàng loạt ô tô bị phóng hỏa, bốc cháy ngùn ngụt, làn khói lan đến tận đỉnh tháp Eiffel. Dòng người mặc áo vàng còn tràn đến trước Đài truyền hình Pháp và kênh truyền hình BFM, hô hào đòi Tổng thống Emmanuel Macron từ chức.

Một lần nữa, nền trời Paris đã không còn xanh trong lãng mạn... Hàng loạt hình ảnh về cuộc bạo loạn tiếp tục được chia sẻ trên khắp mặt báo quốc tế kèm với niềm tiếc thương. Trong số độc giả, khán giả, có rất nhiều người chưa từng đặt chân đến Paris nhưng họ cũng "buồn lây" trước những hình ảnh không đẹp, khi mà họ đã trót yêu thành phố này qua nhiều tác phẩm văn học, phim ảnh bất hủ...

Ngày 15/4/2019: Đám cháy dữ dội bao phủ Nhà thờ Đức Bà Paris, đỉnh tháp 850 năm tuổi sụp đổ

Lần này, ngọn lửa tấn công Nhà thờ Đức Bà Paris không phải từ sự tức giận và chủ ý đốt phá như đối với các "nạn nhân" Khải Hoàn Môn và tháp Eiffel, mà nguyên nhân của vụ hoả hoạn có thể là công trình xuống cấp trầm trọng, vật liệu bên trong dễ gây cháy nổ.

Vậy nhưng, đám cháy lần này không chỉ làm bỏng rát niềm tự hào của người Pháp, mà còn trực tiếp khiến phần chóp tháp có niên đại 850 năm sụp đổ! 

Hơn 4 tháng và 3 nỗi đau quá lớn của người Paris: Lần lượt Khải Hoàn Môn, tháp Eiffel đến Nhà thờ Đức Bà chìm trong khói lửa - Ảnh 5.

So với tháp Eiffel không tổn hại nhiều và Khải Hoàn Môn có thể phục hồi đáng kể (về mặt kiến trúc), nhiều chuyên gia cho rằng rất khó để trả lại nguyên vẹn kết cấu của Nhà thờ Đức Bà Paris. "Nó không chỉ là vì kiệt tác nguyên bản của chúng ta đang mất đi, mà còn là một phần của 900 năm lịch sử đã không thể dựng xây lại", Kate Wiles - một học giả người Anh cho biết.

Tạm kết

Dù nguyên nhân khiến Khải Hoàn Môn, tháp Eiffel đến Nhà thờ Đức Bà ngập trong khói lửa là rất khác nhau nhưng ta dễ tìm thấy điểm chung của 3 sự kiện chấn động này: đều diễn ra trong vòng hơn 4 tháng nay; là những công trình trăm năm mang tính biểu tượng, tọa lạc tại vị trí đắc địa của thủ đô; và đều quá bất ngờ!

Nhưng dù có thế nào, đêm 15/4, rất đông người Pháp vẫn kề bên nhau cùng chia sẻ nỗi đau, như họ đã từng vào những đêm đen trước đó. Còn với rất nhiều người khác trên thế giới - những ai trót yêu thủ đô hoa lệ, Paris vẫn chiếm một vị trí không thể thay đổi trong trái tim.

Hơn nữa, 3 thảm kịch (phần nhiều là trùng hợp) ở thủ đô Paris đã cảnh báo chúng ta rằng: Những công trình vĩ đại của người xưa - dù sừng sững và là chứng nhân lịch sử suốt hàng trăm - vẫn có thể bị hủy hoại trong phút chốc do một phút bất cẩn hay bị kích động của bất kì "người đương thời" nào trong chúng ta.