3 nỗi niềm khó nói của các nhân vật đáng ghét nhất màn ảnh Việt

Paul, Theo Helino 21:55 23/03/2019

Làm diễn viên chẳng sướng gì, đóng vai phản diện còn khổ hơn ấy vậy còn bị khán giả ghét. Nỗi niềm của những nhân vật bị khán giả "ghét" nhất màn ảnh cũng bao la lắm cả nhà ơi!

Nghề diễn viên chẳng có mấy khi sung sướng, đóng vai phản diện lại còn khổ hơn. Trong khi các vai chính diện được khán giả yêu mến thì những "ác nhân" đôi lúc còn bị ghét lây từ trong phim ra ngoài đời. Người đóng vai phản diện phải chịu khổ y nhưng diễn viên chính, đôi lúc còn nhiều hơn ấy vậy mà khi phim đến với khán giả, phải "ngậm bồ hòn làm ngọt" đón nhận gạch đá.

3 nỗi niềm khó nói của các nhân vật đáng ghét nhất màn ảnh Việt - Ảnh 1.

Đã đi làm phim thì ai cũng phải khổ, người diễn viên cũng phải khổ nhưng đối với những người trót nhận vai phản diện thì những khó khăn, buồn tủi đôi lúc còn khó nói hơn nhiều. Thế mà ai cũng cố gắng đóng tròn vai và chẳng mấy khi chúng ta thấy họ than thở trên báo chí. Hãy điểm qua xem những nỗi khổ mà các diễn viên phản diện phải đối mặt là gì khi là người bị "toàn dân" căm ghét nhé!

1. Bị tát thẳng tay ngoài đời vì vai diễn quá đáng ghét

Diễn viên Thúy Ngân trong Gạo Nếp Gạo Tẻ trong một buổi phỏng vấn, từng kể với một nụ cười buồn rằng lúc cả đoàn phim đi quảng bá ở các tỉnh thành trong thành phố, cô đã bị gọi bằng những ngôn từ rất nhạy cảm, có người còn giáng cho cô gái một cái tát chỉ vì Ngọc Hân trên phim quá là... đáng ghét. Ấy vậy mà cô nàng vẫn phải ngậm ngùi xem như đó là "thành quả" của một vai diễn đã trọn vẹn.

3 nỗi niềm khó nói của các nhân vật đáng ghét nhất màn ảnh Việt - Ảnh 2.

Thu Quỳnh, người thể hiện My Sói - cô cave bị cả nước căm ghét từng phải lên báo chia sẻ rằng điện thoại của mình bị nhắn tin đe dọa, ném đá tới nỗi cháy máy. Nghệ sĩ Nguyễn Hải - người vào vai Lão Cấn trong cùng bộ phim Quỳnh Búp Bê cũng từng bị một khán giả xa lánh, miệt thị rồi buông câu nói: "Trông mặt ông kinh lắm!". Diễn viên Danh Thái, chuyên đóng vai phản diện khi về quê thăm gia đình đã bị một người đồng hương sỗ sàng hỏi: "Tôi tưởng anh buôn ma túy bị... tử hình rồi cơ mà?" sau khi xem xong một... bộ phim truyền hình có anh đóng.

3 nỗi niềm khó nói của các nhân vật đáng ghét nhất màn ảnh Việt - Ảnh 3.

Lão Cấn từng bị khán giả miệt thị.

3 nỗi niềm khó nói của các nhân vật đáng ghét nhất màn ảnh Việt - Ảnh 4.

Danh Thái bị lầm tưởng là tội phạm buôn ma túy sau khi đóng vai phản diện.

Hai trường hợp gần đây nhất chính là hai cô bé Hà AnhBảo Ngọc trong các phim truyền hình Những Cô Gái Trong Thành Phố, Gia Đình Là Số 1 phần hai. Chỉ vì thể hiện khá tốt vai diễn của mình mà các diễn viên nhí nhận phải những bình luận nặng nề từ phía công chúng, nhiều lúc còn vô cùng khiếm nhã. Trong một bài phỏng vấn báo chí, mẹ bé Hà Anh chia sẻ là bé đã rất buồn khi đọc được những bình luận trên mạng nói về nhân vật của em trong phim. Chị đã phải giải thích với con rằng người ta ghét là vì em đã diễn rất tốt vai của mình. Bản thân chị Thúy Hà, mẹ bé Hà Anh cũng phải chạnh lòng trước những bình luận gọi bé là "ranh con", "hỗn láo" v.v...

3 nỗi niềm khó nói của các nhân vật đáng ghét nhất màn ảnh Việt - Ảnh 5.

Cô bé Lam Chi cũng bị khán giả "ném đá" khá nhiều.

3 nỗi niềm khó nói của các nhân vật đáng ghét nhất màn ảnh Việt - Ảnh 6.

Hà Anh đóng vai Trâm Anh, cô bé hỗn xược ở phim "Những Cô Gái Trong Thành Phố"

Suy nghĩ "Bị ghét vì thể hiện quá thành công" là một cách các nghệ sĩ tự an ủi bản thân, nhưng cách này thì chỉ có người lớn làm được. Đối với những diễn viên còn quá nhỏ như Hà Anh hay Bảo Ngọc, chắc gì hai cô bé đã biết cách đối mặt với dư luận được như vậy?

2. Suốt ngày bị biên kịch cho "ăn đòn"

Tâm lý của các nhà làm phim là "chiều" khán giả, nhiều người căn cứ vào việc ai nào đang bị khán giả ghét, lập tức trên phim sẽ "hành" cho tới tấp. Đào (Quỳnh Kool) trong Quỳnh Búp Bê là một ví dụ. Ngay sau khi cảnh quay cô em gái ngang ngạnh bị cho ăn một cái tát, trở thành làn sóng trên mạng xã hội, Đào liền bị... dập bởi một phân cảnh cưỡng bức đến khổ lên khổ xuống. My Sói thì bị gã bạn trai hèn hạ đánh tới mức te tua, ngã sấp mặt xuống bờ hồ, suốt ngày bị xã hội đen đuổi đánh... chỉ để cho cảnh quay được chân thật.

3 nỗi niềm khó nói của các nhân vật đáng ghét nhất màn ảnh Việt - Ảnh 7.

My Sói bị gã bạn trai đánh, nằm vật ra bờ hồ.

3 nỗi niềm khó nói của các nhân vật đáng ghét nhất màn ảnh Việt - Ảnh 8.

Cảnh Đào bị ăn tát

3 nỗi niềm khó nói của các nhân vật đáng ghét nhất màn ảnh Việt - Ảnh 9.

Đào bị gài cho Dượng của Quỳnh Búp Bê cưỡng hiếp

Trong Chạy Trốn Thanh Xuân, bà Mỹ (Thanh Tú) mẹ của An (Lưu Đê Ly) vừa bị khán giả ghét và ví với nhân vật "Dượng" trong Quỳnh Búp Bê xong, ngay lập lức bà gặp đủ mọi thể loại tai nạn từ bị đánh cho đến bị tát v.v... An cũng vậy, tuy không phải là phản diện nhưng Lưu Đê Ly thì bị khán giả ghét do... đời tư bê bối. Thế là vào phim An bị hành từ tập này sang tập khác, hết bị đánh trọng thương đến dầm mưa dãi nắng v.v...

Biết trước được rằng "tiểu tam" của Băng Di trong Gạo Nếp Gạo Tẻ sẽ bị ném đá, thế là cô nàng có cảnh bị tạt nước cho đến khi đôi mắt bỏng rát. Thúy Ngân cũng phải trả giá đắt thay cho Ngọc Hân khi cô tự mình đóng phân đoạn bị bắt, đòi nợ hội đồng đến mức mệt lả người trên phim trường.

3 nỗi niềm khó nói của các nhân vật đáng ghét nhất màn ảnh Việt - Ảnh 10.

Băng Di phải tự mình đóng cảnh này thì "Gạo Nếp Gạo Tẻ" cảnh quay mới có hiệu quả.

Đồng ý là những cảnh phim ấy là theo kịch bản, nhưng đôi lúc các diễn viên phải tự thể hiện chứ không dùng đóng thế, nhằm tạo sự chân thật và trên hết là làm hài lòng khán giả. Bằng chứng là những đoạn phim Đào bị đánh, My Sói bị đánh, Hân bị đánh v.v... đều trở thành những đoạn phim gây sốt.

3. Chịu thiệt làm "đòn bẩy" cho nhân vật chính

Một số vai diễn bị xây dựng ác vô lý, ác đến mức không hề có chiều sâu nhằm tôn lên nỗi khổ của các nhân vật chính. Biên kịch Kim Ngân của Quỳnh Búp Bê từng chia sẻ, rằng My Sói ác lại còn khổ là vì... Quỳnh Búp Bê muốn cô như thế. Nghĩa là nhằm làm bật lên sự thống khổ của Quỳnh, nhiệm vụ của My Sói chỉ có: ác và... bị hành hạ, còn lí do tại sao thì dường như bị bỏ qua hoàn toàn. Suốt 28 tập phim My Sói chỉ có được mỗi một phân cảnh tiết lộ gia đình phức tạp, chuyên lợi dụng cô moi tiền.

3 nỗi niềm khó nói của các nhân vật đáng ghét nhất màn ảnh Việt - Ảnh 11.

Trong "Quỳnh Búp Bê" chỉ có một phân cảnh kể về nỗi khổ của My Sói, khiến khán giả không thể thông cảm được cho cô.

Việc nhiều biên kịch không chịu xây dựng chiều sâu cho vai phản diện dễ khiến các nhân vật hóa thành kẻ xấu tính một cách... nông cạn. Tức là xấu tính mà chẳng cần lí do gì, ác hết thuốc chữa và không ai có thể cảm thông được.

Hãy so sánh hai cô bé diễn viên nhí Hà Anh - Bảo Ngọc sẽ thấy sự khác biệt này. Nếu Lam Chi trong Gia Đình Là Số 1 phần hai hỗn láo một cách triệt để, coi thường và vô lễ với cả người lớn trong nhà, đưa một... cục xương cho bố mình ăn, thì Hà Anh lại khác. Em được biên kịch xây cho một động lực khi "hành" cô Trúc giúp việc (Mai Anh). Đó là em rất yêu bố mẹ, không muốn người thứ ba chen chân vào gia đình mình nên phải tìm mọi cách đuổi Trúc đi, hòng ngăn chặn bố mình yêu Trúc và không yêu mẹ nữa. Có nghĩa là em chỉ hỗn với Trúc, mối đe dọa đến gia đình em, còn đối với bố, Trâm Anh vẫn ngoan ngoãn và lễ phép. Nhờ suy nghĩ này mà cô bé Trâm Anh có lí do để hỗn, được nhiều người hiểu cho cô bé mà bênh vực em trên các trang mạng xã hội.

3 nỗi niềm khó nói của các nhân vật đáng ghét nhất màn ảnh Việt - Ảnh 12.
3 nỗi niềm khó nói của các nhân vật đáng ghét nhất màn ảnh Việt - Ảnh 13.

Trâm Anh chỉ hỗn với Trúc, cô bé rất ngoan và yêu bố mình.

Các vai ác không được xây dựng lai lịch rõ ràng, hoặc ít nhất lí do trở nên ác, mục đích là tạo thêm không gian để... tôn vinh những người tốt. Nếu ai cũng hiểu và cảm thông cho kẻ ác, thì sẽ chẳng có ai đi thương cảm cho người tốt. Đây cũng là một thiệt thòi mà các diễn viên đóng vai phản diện phải chịu, họ phải làm đòn bẩy vai chính diện được nổi bật, đổi lại nhận được sự căm ghét từ phía người xem.

Tạm kết

Các diễn viên để làm đúng thiên chức của mình đã hy sinh rất nhiều bất kể là cho dạng vai tốt hay xấu, nhưng những người hóa thân thành kẻ ác bị thiệt thòi một chỗ là họ khó mà dành được sự yêu thích của công chúng. Bất chấp điều đó, các nghệ sĩ vẫn luôn tỏ ra chuyên nghiệp và thể hiện trọn vẹn vai diễn.

Tuy là vậy, nhưng những bất công mà các diễn viên gặp phải khi nhận vai trò "chọc tức khán giả" vẫn còn quá nhiều, đôi lúc các diễn viên không đáng bị đối xử như vậy. Hy sinh cho vai diễn là một chuyện, nhưng bị người xem khủng bố và miệt thị ra tận ngoài đời là một chuyện khác. Hy vọng rằng công chúng, sau khi đã hiểu hơn về những hy sinh của một nghệ sĩ dành cho vai diễn sẽ hiểu và có một cái nhìn tách biệt hơn giữa hai khái niệm "diễn viên-nhân vật".