4 lần con người tưởng chừng tìm thấy người ngoài hành tinh, nhưng hóa ra trật lất

Kuroe, Theo Trí Thức Trẻ 22:14 30/03/2018

Lời giải cho những điều bí ẩn mà tưởng chừng như đến từ ngoài vũ trụ, hóa ra lại gần với chúng ta hơn những gì được tưởng tượng và thêu dệt nên rất nhiều.

Năm 2003, một nhà sưu tầm nghiệp dư tìm thấy một chiếc túi da chứa một bộ xương dài 15cm, được cho là xác ướp của người ngoài hành tinh đã từng đặt chân xuống Trái đất khi xưa do xác ướp này có hốc mắt to và một hộp sọ cao dài. Kết quả là suốt 15 năm sau đó, những tin đồn được thêu dệt xung quanh xác ướp kỳ lạ này, và xác ướp này cũng thường xuyên được đưa ra làm bằng chứng để chứng minh sự tồn tại của sự sống ngoài Trái đất.

Tuy nhiên mới đây, nhờ vào liệu pháp gene, chân tướng thực sự về bộ xương này mới lộ rõ: đây không phải là xác ướp ngoài hành tinh, mà là của một đứa trẻ mắc phải đột biến gen liên quan đến xương. Dạng đột biến này cực kỳ hiếm, chưa từng có tài liệu nào trước đây ghi nhận nó cả.

Và kết quả là chúng ta lại một lần nữa nhầm về sự hiện diện của người ngoài hành tinh, giống như nhiều lần nhẫm lẫn khác trong lịch sử.

Bộ xương ngoài hành tinh

Quay trở lại với bộ xương nói trên, các nhà khoa học đã dồn rất nhiều tâm sức từ năm 2013 để tìm cách giải thích lý do tại sao mà Ata (tên của bộ xương) có kích thước chỉ bằng một bào thai, tuy nhiên xương lại phát triển như những đứa trẻ từ 6 đến 8 tuổi. 

Phải đến tận bây giờ, tức 5 năm sau đó, nhờ vào việc phân tích ADN của Ata mà các nhà khoa học mới có câu trả lời: đó là sự đột biến ở 7 nhiễm sắc thể liên quan đến sự phát triển xương của con người.

4 lần con người tưởng chừng tìm thấy người ngoài hành tinh, nhưng hóa ra trật lất - Ảnh 1.

Những đột biến kể trên chính là nguyên nhân khiến cho xương của Ata phát triển nhanh đến như vậy. 

Và câu chuyện về "xác ướp ngoài hành tinh" kia thực tế đáng buồn hơn rất nhiều: xưa kia, có một cô gái sinh ra một đứa trẻ có hình hài quái dị, và quyết định sẽ chôn đứa bé này ở giữa lòng sa mạc.

Tín hiệu từ vũ trụ xa xôi

Mùa hè năm 2017, các nhà thiên văn học tại trạm quan sát Arecibo nhận được tín hiệu radio lạ đến từ một tiểu hành tinh mang tên Ross 128. Tuy nhiên nguồn gốc thực sự của tín hiệu này vẫn nằm trong vòng bí ẩn, bởi nếu nó đến từ một cơn bão mặt trời trên Ross 128 thì sẽ không có tần số như những gì các nhà thiên văn nhận được. Vậy thì một giả thuyết khác, đó là tín hiệu này được gửi đến từ những người ngoài hành tinh đang cư ngụ tại Ross 128, và cũng giống như chúng ta, họ đang tìm kiếm những dấu hiệu về sự sống ngoài hành tinh?

4 lần con người tưởng chừng tìm thấy người ngoài hành tinh, nhưng hóa ra trật lất - Ảnh 2.

Câu trả lời rất tiếc là không, khi chỉ một tuần sau đó, các nhà thiên văn học đã có câu trả lời: tín hiệu này đến từ một vệ tinh do chính chúng ta phóng lên, và phát tín hiệu khi đi ngang qua khoảng không gian thẳng hàng giữa Trái đất và Ross 128.

Ngôi sao lấp lánh

Ngôi sao này còn được biết đến với cái tên ngôi sao Tabby, tên khoa học là KIC 8462852, và nó thu hút sự chú ý của các nhà thiên văn học bởi việc ngôi sao này thường xuyên chớp tắt một cách bất thường và không theo bất cứ một quy luật nào cả. Nhiều người cho rằng, nguyên nhân mà ngôi sao này cứ chớp tắt như thế là bởi nó không phải là một ngôi sao, mà là kiến trúc khổng lồ do người ngoài Trái đất xây dựng nên. Ngay lập tức, ngôi sao này rơi vào "diện cần theo dõi" của NASA, khi họ sử dụng kính viễn vọng Kepler để theo dõi KIC 8462852 suốt 1600 ngày.

4 lần con người tưởng chừng tìm thấy người ngoài hành tinh, nhưng hóa ra trật lất - Ảnh 3.

Tuy nhiên, tới tháng 1 năm 2018, một nhóm các nhà thiên văn học đã công bố nguyên nhân dẫn đến hiện tượng chớp tắt kỳ quái kể trên: đó là do bụi vũ trụ bao phủ khiến độ sáng của ngôi sao này thay đổi thất thường. Tất nhiên, việc đống bụi vũ trụ kia từ đâu xuất hiện thì vẫn còn đang nằm trong vòng bí ẩn. Chỉ là con người chúng ta lại thêm một lần nữa "lỡ hẹn" với người ngoài Trái đất mà thôi.

Khoảng trống giữa kim tự tháp

Tháng 12 năm 2017, các nhà khoa học công bố về việc phát hiện một khoang rỗng trong Kim tự tháp ở Giza. Thông qua việc sử dụng tia X, họ đã theo dõi quá trình di chuyển của các hạt muon xuyên qua kim tự tháp, nhờ vậy phát hiện ra sự tồn tại của khoang rỗng này, với chiều dài hơn 30 mét. Các nhà khoa học tạm gọi khoang rỗng này là Big Void, và hiện họ vẫn chưa có câu trả lời chính xác về sự hình thành của nó.

4 lần con người tưởng chừng tìm thấy người ngoài hành tinh, nhưng hóa ra trật lất - Ảnh 4.

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cho rằng khoang rỗng đó được tạo ra do chủ đích của những người xây dựng kim tự tháp, chứ không phải là tác phẩm của người ngoài hành tinh. Trừ khi, kim tự tháp này thực sự là sản phẩm của người ngoài hành tinh, thì lúc đó nó lại là một câu chuyện khác rồi.

Tham khảo The Verge