4 bộ phim kinh điển khắc họa rõ nét tinh thần chiến thắng của người Việt Nam ngày 30/4

Bảo Anh, Theo Trí Thức Trẻ 10:23 30/04/2018

Một lần nữa, những bộ phim kinh điển lại được lùng sục để hoà chung không khí kỉ niệm ngày Giải phóng miền Nam – Thống nhất đất nước (30/4).

Không cầu kì về kĩ xảo hình ảnh, không có bộ OST ấn tượng, càng không có những diễn viên quá chỉn chu về quần áo, trang điểm, nhưng 4 bộ phim kinh điển dưới đây luôn đem tới cho khán giả cảm giác tự hào khó tả của dịp kỉ niệm ngày Giải phóng miền Nam 30/4 của dân tộc.

Nổi gió (Đạo diễn Huy Thành - 1966)

Nổi Gió là bộ phim được chuyển thể từ vở kịch cùng tên của tác giả Đào Hồng Cẩm, đề cập tới những vấn đề rất thời sự thời bấy giờ. Phim kể về thời kì chiến tranh Việt Nam với diễn biến xoay quanh cuộc đời của hai chị em ruột ở hai đầu chiến tuyến. Người chị tên Vân (Thuỵ Vân) là người theo Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, còn người em tên Phương (Thế Anh) lại là một trung úy Quân lực Việt Nam Cộng hòa.

4 bộ phim kinh điển khắc họa rõ nét tinh thần chiến thắng của người Việt Nam ngày 30/4 - Ảnh 1.

Sau nhiều năm xa cách, hai chị em rất vui mừng khi gặp lại nhau. Nhưng hạnh phúc ngắn chẳng tày gang. Ngay khi biết chức danh mà em trai mình đang gánh vác, Vân dù không muốn nhưng ngay lập tức đã đuổi em đi. Và chuỗi bi kịch cũng từ đó mà đổ lên đầu người con gái quả cảm này.

Đầu tiên là chuyện Vân và con trai bị bắt vào trại tập trung. Thân là một chiến sĩ, Vân đã đứng lên đấu tranh và kết quả là cô bị đi tù. Sau đó, hay tin con trai bị giết, Vân đã hoá nửa điên nửa tỉnh để thực hiện được trọn vẹn nhiệm vụ. Dù trên cương vị một người mẹ, Vân đau lòng đến thắt lại, nhưng với trọng trách một người chiến sĩ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, Vân không cho phép mình buông xuôi công việc chung vì tình cảm riêng. Vì qua mắt được với vẻ điên khùng nên Vân càng dễ dàng thuận lợi để hoạt động trong tù.

4 bộ phim kinh điển khắc họa rõ nét tinh thần chiến thắng của người Việt Nam ngày 30/4 - Ảnh 2.

Nổi Gió kết thúc với tình tiết Phương và nhiều người lính Việt Nam Cộng hoà sau khi thấu được những lý lẽ, hành động và tình cảm của Vân nên đã về với Mặt trận, với nhân dân bằng việc phá ấp chiến lược, giết cố vấn Mỹ.

Đây không chỉ là bộ phim giành được Bông sen vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần đầu tiên năm 1970 cho hạng mục Phim truyện nhựa, mà theo nhiều quan điểm, nó còn là nguồn truyền cảm hứng và tinh thần cho công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975.

Biệt Động Sài Gòn (Đạo diễn Long Vân - 1986)

Có lẽ nếu nhắc đến từ khoá "phim về 30/4", bật ra trong suy nghĩ của chúng ta ngay lập tức sẽ là cái tên Biệt Động Sài Gòn – Bộ phim được coi là linh hồn ngày 30/4 dù đã trải qua biết bao nhiêu năm tháng.

4 bộ phim kinh điển khắc họa rõ nét tinh thần chiến thắng của người Việt Nam ngày 30/4 - Ảnh 3.

Bộ phim gồm 4 tập lần lượt có tên Điểm Hẹn, Tình Lặng, Cơn Giông, Trả Lại Tên Cho Em. Ngoài miêu tả những cảnh ngoài chiến trường với súng và máu, bom đạn và tinh thần chiến đấu, bộ phim còn tái hiện lại cuộc đấu trí căng thẳng của những chiến sĩ hoạt động bí mật trong lòng địch.

Nhân vật Tư Chung (Quang Thái) - Tư lệnh trưởng biệt động Sài Gòn, cùng người đồng đội Ngọc Mai (Hà Xuyên) phải đóng giả một cặp vợ chồng tư bản giàu có, ngày ngày chạm trán cùng tướng tá Việt Nam cộng hòa để tiếp cận và hoàn thành nhiệm vụ. Bên cạnh đó cũng không thể không kể đến một nữ chiến sĩ biệt động khác là Huyền Trang vì muốn dễ bề che mắt kẻ thù nên đã cải trang thành người xuất gia tu hành, Năm Hòa (bí danh K9), Sáu Tâm, bà má hậu phương, em bé bán báo làm giao liên... Tất cả những người ấy, mỗi người một vị trí, một vai trò khác nhau nhưng họ đã cùng hợp quần tạo nên sức mạnh quân dân để chiến thắng kẻ thù.

Tập 1 của bộ phim kể về chuyện Tư Chung - Ngọc Mai - Huyền Trang (Thanh Loan) phải gác tình riêng để hoàn thành nhiệm vụ chung.

4 bộ phim kinh điển khắc họa rõ nét tinh thần chiến thắng của người Việt Nam ngày 30/4 - Ảnh 4.

Sang đến tập 2, vì bị nghi ngờ nên Tư Chung và Ngọc Mai buộc phải làm đám cưới. Trước sự tình đó, Huyền Trang là người yêu của Tư Chung đành nén chặt xót xa để chấp nhận. Mặt khác, do có kẻ chỉ điểm nên Huyền Trang dù đã cải trang thành ni sư nhưng vẫn bị địch bắt.

4 bộ phim kinh điển khắc họa rõ nét tinh thần chiến thắng của người Việt Nam ngày 30/4 - Ảnh 5.

Ở tập 3, Huyền Trang đã bị tra tấn với những cực hình khó tưởng tượng vì đại tá Coordell, trưởng phòng tình báo CIA và Michael phát hiện ra cô là Việt cộng. Nhưng với tinh thần quả cảm và ý chí sắt đá vì đất nước, Huyền Trang không hé răng lấy nửa lời. Sau này, cô được trả tự do bằng cách đổi lấy đại tá Coordell bị ta bắt cóc.

4 bộ phim kinh điển khắc họa rõ nét tinh thần chiến thắng của người Việt Nam ngày 30/4 - Ảnh 6.

Tập cuối cùng của Biệt Động Sài Gòn kể về một câu chuyện buồn. Sau khi ra tù, cả người yêu thật và người yêu giả của Tư Chung đã cùng nhau chiến đấu trên một chiến tuyến. Nhưng không may rằng Huyền Trang đã bị trúng đạn vào đầu và hy sinh. Lại một lần nữa, bộ ba nhân vật Tư Chung - Ngọc Mai - Huyền Trang đã phải chọn lý trí để hoàn thành nhiệm vụ. Tư Chung đã cùng Ngọc Mai giả vờ cuộc sống tình cảm để bảo toàn vỏ bọc, dù trong lòng chưa bao giờ nguôi suy nghĩ về người yêu đã khuất. Kết phim, chiến thắng đã thuộc về lực lượng cách mạng, tướng cùng lính Mỹ đã phải rời khỏi Sài Gòn.

4 bộ phim kinh điển khắc họa rõ nét tinh thần chiến thắng của người Việt Nam ngày 30/4 - Ảnh 7.

Những bộ phim khác bắt nguồn từ cảm hứng về những nhân chứng sống thời kì chiến tranh

Đừng Đốt (Đạo diễn Đặng Nhật Minh - 2009)

Bộ phim được làm dựa trên nguyên tác là cuốn nhật ký nổi tiếng của nữ bác sĩ - liệt sĩ Đặng Thùy Trâm. Cuốn nhật ký được cô viết từ năm 1968 đến trước khi hy sinh 2 ngày vào năm 1970. Nhờ việc đi sâu vào khắc hoạ đời sống nội tâm, vẻ đẹp tâm hồn sâu sắc cùng bản lĩnh chiến đấu của nữ bác sĩ - liệt sĩ Đặng Thùy Trâm nói riêng và của lớp thanh niên Việt Nam nói chung, bộ phim đã tạo được tiếng vang lớn sau khi công chiếu.

4 bộ phim kinh điển khắc họa rõ nét tinh thần chiến thắng của người Việt Nam ngày 30/4 - Ảnh 8.

Bộ phim được chiếu rộng rãi tại nhiều quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia... và giành được các giải thưởng lớn như giải Cánh diều vàng và Bông sen vàng cho hạng mục Phim truyện điện ảnh.

Mùi Cỏ Cháy (Đạo diễn Hữu Mười - 2011)

Cũng giống như Đừng Đốt, Mùi Cỏ Cháy tạo được dấu ấn trong lòng khán giả bởi có một số chi tiết trong kịch bản được khai thác dựa trên cuốn nhật ký Mãi mãi tuổi hai mươi của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc.

4 bộ phim kinh điển khắc họa rõ nét tinh thần chiến thắng của người Việt Nam ngày 30/4 - Ảnh 9.

Bộ phim thuộc thể loại tâm lý xã hội - chiến tranh, lấy bối cảnh chính là sự kiện Mùa hè đỏ lửa 1972 với trận chiến tại Thành cổ Quảng Trị. Trong phim, bốn nhân vật Hoàng (Nguyễn Năng Tùng vai Hoàng khi 20 tuổi, Nguyễn Hữu Mười vai Hoàng khi 60 tuổi), Thành (Lê Văn Thơm), Thăng (Tô Tuấn Dũng), Long (Nguyễn Thanh Sơn) là những sinh viên trường Đại học Tổng hợp được lệnh tổng động viên lên đường nhập ngũ năm 1971 nên đã nhận một kì huấn luyện tốc hành sau đó vào chiến đấu trong Thành cổ Quảng Trị. Sau này, duy chỉ còn có Hoàng sống sót trở về để kể lại sự anh dũng của những chiến sĩ mãi mãi tuổi hai mươi.

Tạm kết

Với những bộ phim vừa rồi, hy vọng ngày nghỉ 30 tháng 4 này sẽ có ý nghĩa hơn với các bạn, khi chúng ta có thể được ngồi với gia đình để cùng xem lại những khoảnh khắc lịch sử của dân tộc.