220.000 người chết vì căn bệnh này mỗi năm và những dấu hiệu bạn không thể coi thường

Bình Bình, Theo Helino 19:11 10/03/2019

Do có nhiều dấu hiệu giống với các bệnh ốm sốt khác nên rất nhiều người chủ quan bỏ qua, khiến căn bệnh ung thư máu bị phát hiện chậm trễ nên khó điều trị hơn rất nhiều.

Suốt nhiều ngày qua, câu chuyện về cô sinh viên Ngoại thương chỉ mới bước qua tuổi đôi mươi nhưng đã phải đối mặt với căn bệnh ung thư máu tử thần đã khiến cho rất nhiều người thương cảm.

Với ý chí kiên cường, Vân Anh, cô gái tưởng như đã rơi vào tuyệt vọng khi biết mình mắc căn bệnh ung thư máu quái ác vẫn tiếp tục chiến đấu, điều trị kiên trì mỗi ngày. Và quả thật, mọi nỗ lực của cô cùng gia đình đã được đền đáp, bởi sau 6 tháng điều trị thì Vân Anh đã chiến thắng căn bệnh này.

Thế nhưng, vẫn không thể không cảnh báo về căn bệnh nguy hiểm này, bởi nó có những dấu hiệu rất dễ bỏ qua và nhiều người vì thế mà phát hiện muộn, khiến việc điều trị vô cùng khó khăn. Bởi vậy, ngay từ bây giờ, hãy trang bị cho mình những kiến thức cơ bản nhất định phải biết về căn bệnh ung thư máu.

Ung thư máu là gì?

Ung thư máu là một căn bệnh ung thư ác tính mà khi đó, lượng bạch cầu trong cơ thể tăng đột biến. Thông thường, các tế bào bạch cầu có nhiệm vụ bảo vệ cơ thể, tuy nhiên nếu gia tăng đột biến với số lượng lớn thì nó sẽ gây hại, làm phá huỷ các hồng cầu khiến người bệnh thiếu máu và dẫn đến tử vong.

Ung thư máu là căn bệnh duy nhất không tạo u/ung bướu. Hiện tại vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây nên căn bệnh này, tuy nhiên, điều này có thể do di truyền hoặc do ô nhiễm hoá học, nhiễm chất phóng xạ hoặc cũng có thể do mắc một số bệnh như hội chứng Down, do virus, một số bệnh về máu...

Trên thế giới, mỗi năm có tới 300.000 ca bệnh mắc mới và 220.000 người chết vì căn bệnh này.

220.000 người chết vì căn bệnh này mỗi năm và những dấu hiệu bạn không thể coi thường - Ảnh 2.

Các dạng ung thư máu thường gặp

- Bệnh bạch cầu: bạch cầu gia tăng nhiều đột biến, gây thiếu hụt hồng cầu.

- Lymphoma: cơ thể sản sinh quá nhiều tế bào lympho gây nên tình trạng quá tải, làm tổn hại hệ thống miễn dịch.

- Đa u tủy: là khi các tế bào plasma tụ tập trong tủy xương và ngăn chặn nó sản xuất một phần quan trọng của hệ thống miễn dịch.

220.000 người chết vì căn bệnh này mỗi năm và những dấu hiệu bạn không thể coi thường - Ảnh 3.

Dấu hiệu cảnh báo bệnh ung thư máu

Ung thư máu có nhiều dấu hiệu khá giống với một số căn bệnh ốm sốt thường gặp, dễ khiến người bệnh nhầm lẫn và bỏ qua. Chính vì thế, đừng coi thường mà hãy đi khám nếu thấy các dấu hiệu như dưới đây:

- Sốt, cảm lạnh, đau đầu, đau khớp… (xảy ra do sự ảnh hưởng từ sức "công phá" trong tủy).

- Thường xuyên mệt mỏi, yếu sức, da nhợt nhạt, thiếu sức sống (do bị thiếu hồng cầu).

- Xuất hiện các đốm đỏ trên da (dấu hiệu này cũng xảy ra do thiếu hồng cầu).

- Đau nhức xương khớp, đặc biệt là vùng khung chậu, xương sườn, lưng và xương sọ (do tuỷ gặp vấn đề).

- Biếng ăn, sút cân, nữ giới còn bị ra mồ hôi ban đêm.

- Dễ bị nhiễm trùng (do bạch cầu không hoạt động bình thường).

- Trên cơ thể xuất hiện các hạch một cách bất thường.

- Khó cầm máu, khả năng đông máu giảm, dễ chảy máu cam, dễ bị bầm tím.

220.000 người chết vì căn bệnh này mỗi năm và những dấu hiệu bạn không thể coi thường - Ảnh 4.

Các giai đoạn của bệnh ung thư máu và tiên lượng khả năng chữa trị

- Giai đoạn 1: các hạch bạch huyết mở rộng do sự gia tăng của số lượng lympho. Nếu phát hiện ở giai đoạn này thì khả năng chữa khỏi khá cao vì ung thư chưa lây lan đến các bộ phận khác.

- Giai đoạn 2: Ung thư máu lây lan đến lá lách, gan và hạch bạch huyết. Khả năng chữa trị gặp khó khăn hơn bởi các cơ quan khác đã bị xâm lấn. 

Dù không phải tất cả các cơ quan đều bị ảnh hưởng một lúc nhưng chắc chắn một trong số các cơ quan đã bị xâm lấn. Sự phát triển của lymphoc ở giai đoạn này tăng cao.

- Giai đoạn 3: Số lượng bạch cầu gia tăng nhanh dẫn đến thiếu máu. Ở giai đoạn này đã có ít nhất 2 cơ quan bị xâm lấn, không những thế ung thư vẫn tiếp tục xâm lấn sang các cơ quan khác.

- Giai đoạn 4: Đây là giai đoạn cuối, cực kỳ nguy hiểm, tiểu cầu giảm nhanh chóng, ung thư lây lan đến phổi, thiếu máu có biểu hiện cấp tính. Tỷ lệ sống không cao.

220.000 người chết vì căn bệnh này mỗi năm và những dấu hiệu bạn không thể coi thường - Ảnh 5.

Cách phòng tránh ung thư máu

Để phòng ngừa và hạn chế nguy cơ mắc căn bệnh này, các bạn hãy chú ý một số vấn đề như sau:

- Bảo vệ cơ thể khỏi những yếu tố gây độc hại như các chất hóa học độc hại, chất phóng xạ... Tốt nhất, hãy hạn chế tiếp xúc với các hoá chất độc hại vì chúng chính là các nguyên nhân làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh này. Trong trường hợp bất khả kháng thì hãy bảo vệ cơ thể bằng các dụng cụ bảo hộ.

- Trong sinh hoạt hàng ngày, hãy chú ý tới các sản phẩm như nước rửa bát, xà phòng, nước lau nhà, mỹ phẩm..., lựa chọn các sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên, thân thiện với cơ thể và càng hạn chế hoá chất càng tốt.

- Tập thể dục thường xuyên để có một cơ thể khoẻ mạnh có thể giúp bạn phòng tránh các căn bệnh ung thư, trong đó bao gồm cả ung thư máu.

- Một chế độ ăn uống lành mạnh, bổ sung nhiều rau củ, trái cây, hạn chế các chất béo bão hoà, chất béo chuyển hoá để phòng tránh bệnh tật hiệu quả hơn nhé.