20 năm ra đời "Stan" - Từ ca khúc nhạc rap kinh điển của Eminem, cho đến sự tiên đoán về nền văn hóa Superfan

Minh Minh - Design: Hoàng Anh, Theo Trí Thức Trẻ 00:05 28/03/2020

Tròn 20 năm kể từ ngày, bản hit kinh điển Stan của Eminem ra đời. Đây không chỉ là một sáng tạo mang tính cách mạng đối với sự nghiệp của rapper vĩ đại Eminem mà còn là một cột mốc gây được sức ảnh hưởng tới cả một nền văn hóa “fan hâm mộ” trong 2 thập niên tiếp theo của thế kỷ 21.

“Stan” ra đời vào năm 2000 là một cú bắt tay hợp tác giữa Eminem và nữ nghệ sĩ Pop Ballad đang lên thời điểm đó – Dido. Có thể nói, ngay từ khi mới ra mắt, Stan đã trở thành một bản hit quan trọng trong sự nghiệp trải dài 2 thập kỷ của Eminem. Thay cho hình tượng có phần ngớ ngẩn châm biếm thường thấy của Eminem, “Stan” đã cho người hâm mộ chứng kiến một hình ảnh có phần u tối cũng như khả năng sáng tác, kể chuyện tuyệt vời, giàu cảm xúc của rapper da trắng đầu tiên trong lịch sử hiphop khi ấy.

Eminem - Stan (Long Version) ft. Dido

20 năm ra đời Stan - Từ ca khúc nhạc rap kinh điển của Eminem, cho đến sự tiên đoán về nền văn hóa Superfan - Ảnh 2.

Bản nhạc dài tận 7 phút và được lấy sample nhạc từ ca khúc hit đình đám của Dido vào năm 1999 có tên “Thank you”. Nếu bạn còn băn khoăn, từ “Stan” là sự kết hợp giữa hai từ “Stalker” (kẻ theo dõi) và “Fan” (người hâm mộ).

Đúng, đây là 1 ca khúc đụng đến khía cạnh khá nhạy cảm của cuộc đời nghệ sĩ: fan hâm mộ và lòng nhiệt thành đôi khi quá mức của họ. Bản thân Eminem cũng hoá thân thành nhân vật chính trong MV ca khúc – “biggest fan” (fan hâm mộ cuồng nhiệt nhất) của chính mình, kẻ đã viết hàng trăm lá thư trong khoảng thời gian 6 tháng đến Eminem với mong muốn được thần tượng chú ý.

Xuyên suốt theo 3 khổ của bài hát, người nghe được chứng kiến sự chuyển biến trong tình cảm của Stan đối với thần tượng: từ lòng hâm mộ khá đơn giản (“I got a room full of your posters and your pictures, man”) cho đến sự ám ảnh điên rồ (“You ruined it now, I hope you can’t sleep and you dream about it”) và kết thúc là cảm xúc tiêu cực đến mức anh chàng tự kết liễu chính mình cùng người bạn gái đang mang bầu.

Tất cả đều được tái hiện sinh động và nặng nề trong MV dài hơn 8 phút đó. Bài hát kết thúc với khổ lời từ chính “thần tượng” Eminem gợi ý cho anh chàng Stan việc tìm kiếm sự giúp đỡ về mặt tinh thần cũng như xin lỗi Stan vì lá thư hồi đáp đợi quá lâu mới viết.

20 năm ra đời Stan - Từ ca khúc nhạc rap kinh điển của Eminem, cho đến sự tiên đoán về nền văn hóa Superfan - Ảnh 3.

"Stan" dù không thành công về mặt thương mại (vị trí cao nhất mà Stan đạt được là No.51 trong bảng xếp hạng Billboard). Thế nhưng trong 20 năm tiếp theo, bài hát luôn được vinh danh là một trong những ca khúc nhạc Rap hay nhất mọi thời đại bởi nhiều nhà phê bình và các tạp chí âm nhạc danh giá.

Không chỉ có thế, "Stan" đã tạo được chỗ đứng trong nền văn hoá Pop đại chúng bởi khả năng đại diện, định nghĩa cả một làn sóng cuồng mộ từ fan hâm mộ online trong thế kỷ 21. Vào năm 2017, Stan được đưa vào từ điển Oxford như một danh từ ý chỉ những fan hâm mộ quá khích đối với một thần tượng nhất định. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là, những gì bài hát này truyền tải có thực sự khắc hoạ được nền văn hoá superfan (siêu fan hâm mộ) như chính cái tên của mình không?

20 năm ra đời Stan - Từ ca khúc nhạc rap kinh điển của Eminem, cho đến sự tiên đoán về nền văn hóa Superfan - Ảnh 4.

Theo một nghiên cứu được tiến hành bởi Giáo sư Lynn E. McCutcheon (người sáng lập và tác giả của Thời báo Tâm lý học Bắc Mỹ), cảm xúc chính là một trong những yếu tố quyết định đóng góp vào sự hình thành của “stan”. Thế nhưng, chính vì là cảm xúc nên rất khó để định đoạt xem khi nào hoặc chính xác là điều gì đã “khơi mào” cho hàng loạt hành động cực đoan của nhân vật Stan trong ca khúc cùng tên.

“Chúng tôi giả sử nguyên nhân chính đó là sự cô đơn. Bạn thử nghĩ xem, liệu có phải sự cô đơn khiến con người trở nên nhạy cảm hơn và dễ dàng đưa cảm xúc của bản thân họ từ sự yêu thích cho đến ngưỡng ám ảnh cực đoan đối với thần tượng” – giáo sư cho biết. Vào năm 2002, trong một báo cáo Đo lường chỉ số thái độ đối với các thần tượng, vị giáo sư này đã phân ra 3 nhóm fandom: nhóm Entertainment Social (nhóm fan hâm mộ thông thường), nhóm Borderlines Pathological (nhóm fan học thuộc các sở thích, thói quen của thần tượng) và nhóm Intense Pathological (nhóm fan ám ảnh với từng chi tiết nhỏ trong cuộc sống hàng ngày của thần tượng).

Sự tương quan nho nhỏ giữa các nhóm fandom này cho thấy một phần nguyên nhân của các hành động quá khích có thể đến từ sự cô đơn họ phải đối diện trong cuộc sống thường nhật. Cũng từ đây, sự cô đơn khiến những fan hâm mộ mất đi khả năng cảm thông với một cá thể người thật và thay vào đó là sự mơ mộng, trông chờ viển vông vào một hình bóng thần tượng tự họ xây lên cho chính mình.

20 năm ra đời Stan - Từ ca khúc nhạc rap kinh điển của Eminem, cho đến sự tiên đoán về nền văn hóa Superfan - Ảnh 5.

Trái ngược với những gì mà Giáo Sư McCutcheon đã trình bày và chứng minh qua những công trình của mình, Tiến sĩ Gaye S. Stever (quyền giáo sư của khoa tâm lý học phát triển tại ĐH Empire State) lại cho rằng: Những fan cuồng hoàn toàn có thể có một cuộc sống bình thường, họ học tập làm việc và sống trong xã hội như bao người khác. Và những gì ca khúc Stan khắc hoạ thực chất là một trường hợp quá đặc biệt thay vì mang tính chất đại diện cho một nhóm fan hâm mộ nhất định.

Trong suốt hai thập niên qua, “stan” không còn là một khái niệm xa lạ, thậm chí những cộng đồng “stan” vẫn được thiết lập hàng ngày trên các trang mạng xã hội như một nơi chia sẻ cảm xúc và tỏ bày tình yêu của các fan hâm mộ đối với thần tượng của mình. Đồng thời, chính các thần tượng cũng đã có cơ hội tạo dựng những mối liên kết bền chặt với fan hâm mộ của mình qua các kênh mạng xã hội như Twitter, Instagram, Facebook… hiện nay. Nói vui, có lẽ việc chỉ mặt đặt tên những thần tượng không sử dụng mạng xã hội để giao lưu cùng fan còn dễ hơn việc liệt kê những người đã sử dụng.

“Những người tham gia các cộng đồng fan kể trên thực chất đều là những người công dân bình thường có niềm yêu thích đặc biệt đối với một thần tượng nhất định và cần tìm kiếm một cộng đồng những người giống mình để cùng chia sẻ”. Giáo sư McCutcheon cho hay. “Giả dụ, nếu tôi yêu thích ngôi sao bóng rổ LeBron (James), tôi cũng sẽ tìm những người bạn có cùng niềm yêu thích đó để hàn huyên, chia sẻ cùng nhau. Hiểu nôm na, đó như là một chất xúc tác thông thường giúp bánh xe xã hội này vận hành”.

“Giả dụ, nếu tôi yêu thích ngôi sao bóng rổ LeBron (James), tôi cũng sẽ tìm những người bạn có cùng niềm yêu thích đó để hàn huyên, chia sẻ cùng nhau. Hiểu nôm na, đó như là một chất xúc tác thông thường giúp bánh xe xã hội này vận hành”.

Giáo sư McCutcheon

Tất nhiên, không phải lúc nào các fan cũng có thể gây ra tổn thương cho chính mình hoặc cho người mà họ thần tượng, thế nhưng không thể phủ nhận việc bảo vệ thần tượng của họ trong thế giới ảo có thể gây ra những hậu quả khôn lường. Chính mối liên kết về mặt cảm xúc giữa hai phía có thể phóng đại sự trung thành của fan hâm mộ đối với thần tượng và từ đó ảnh hưởng tới những hành đồng của họ ngoài đời thực.

Cùng với các nền tảng mạng xã hội phát triển, chúng ta nắm bắt được quyền tự do giao tiếp, quyền tự do tiếp cận thông tin của mọi vấn đề bao gồm cả cuộc sống của người chúng ta thần tượng. Mạng xã hội và sự vô danh tính trong thế giới online trao quyền tự do nhưng đồng thời cũng là nguồn cơn của những cuộc thanh trừng vô nhân tính không chỉ đối với những ngôi sao thần tượng mà còn cả những người không thuộc fandom nào. Điều đó cũng méo mó dị hình giống như một căn bệnh trầm kha của tâm lý đám đông vậy.

20 năm ra đời Stan - Từ ca khúc nhạc rap kinh điển của Eminem, cho đến sự tiên đoán về nền văn hóa Superfan - Ảnh 7.

Trong quá khứ đã có không ít những câu chuyện đau thương cho thấy bộ mặt nguy hiểm của văn hoá “stan”: Từ doạ nạt, theo dõi cho đến việc tự làm tổn thương chính mình. Và tất nhiên, có không ít những án mạng oan nghiệt xuất phát từ lòng yêu thích (hay sự ghét bỏ) của fan hâm mộ đối với thần tượng. Có thể kể ra đây chính là vụ ám sát John Lennon năm 1980 bởi Mark David Chapman, cái chết của nữ ca sĩ Selena Quintanilla bởi Yolanda Saldivar năm 1995 và sự ra đi của nữ thần tượng Youtube Christina Grimmie năm 2016 bởi James Loibl.

“Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi nhận ra rằng hành động quá khích và điên rồ của những kẻ cuồng tín này có thể xuất phát từ nguyên nhân muốn được thần tượng của mình chú ý.” - Giáo sư McCutcheon cho biết. Đây cũng giống như một thứ quà miễn phí tặng kèm trong cuộc đời của một ngôi sao – những fan hâm mộ quá khích, những kẻ theo dõi đáng ngờ và những hành động chẳng ai lường trước.

Quay trở lại với ca khúc Stan, ngay từ khổ đầu tiên, lời nhạc đã cho thấy chân dung một anh chàng fan hâm mộ có phần ngây thơ nhưng bộc lộ những xúc cảm tiêu cực: I just think it’s f—ked you don’t answer fans. Và cũng từ đây, một trong những “quy luật” tự đặt của các fandom khác nhau cũng được tiết lộ: Thần tượng có nghĩa vụ phải trả lời email từ fan hâm mộ.

Đây là một nhận định xuất phát từ một hệ tư tưởng sai lầm và ích kỉ từ phía các fan hâm mộ. Họ cho rằng những ngôi sao, thần tượng kia thuộc quyền sở hữu của họ. Họ cho rằng sự xuất hiện của những người họ thần tượng sẽ theo đúng những gì họ “nghĩ” trong đầu mình: Nếu thần tượng chẳng may không mỉm cười, không chào, không thân thiện… ngay lập tức họ sẽ quay lưng và dè bỉu lại thần tượng của mình. Bản thân những người được đặt vào vị trí thần tượng cũng chỉ là những cá thể bình thường sống trong xã hội này, dù ý thức được sự hiện diện của họ có thể mang lại hi vọng, tự tin cho nhiều người nhưng điều đó không có nghĩa thần tượng thuộc quyền sở hữu của một đám đông fan hâm mộ.

20 năm ra đời Stan - Từ ca khúc nhạc rap kinh điển của Eminem, cho đến sự tiên đoán về nền văn hóa Superfan - Ảnh 8.

Câu hỏi đặt ra đó là: Cần phải làm gì để đảm bảo một mối quan hệ lành mạnh giữa thần tượng và cộng đồng những người luôn nhiệt thành ủng hộ họ? Ở khổ cuối của bài hát, bản thân Eminem cũng nhấn mạnh cho nhân vật Stan biết rằng: Dù anh muốn Stan vẫn tiếp tục là một người ủng hộ anh nhưng bản thân Stan không nên vì tình yêu đó mà không kiểm soát được hành vi của mình. Dù không diễn ra hàng ngày, nhưng những nghệ sĩ, ngôi sao, thần tượng vẫn luôn cố gắng gửi gắm thông điệp tới những người hâm mộ mình. Họ vẫn luôn mong muốn câu chuyện mến mộ thân tình sẽ dừng ở mức độ vừa phải và không đi quá những giới hạn thông thường.

Vào năm 2014, Lorde cũng đã tiết lộ rằng bản thân cô luôn nhắn nhủ với người hâm mộ của mình đừng tự đặt tên fandom. (trong một dòng tweed đã xoá, Lorde cũng chia sẻ rằng việc có một fandom riêng khiến cô cảm thấy không được thoải mái). Gần hơn nữa, vào năm 2019, trong một cuộc phỏng vấn trực tiếp, V của BTS cũng lên tiếng nhắn nhủ fan hâm mộ của nhóm hãy dừng các hành động quá khích lại. Jungkook cũng tiết lộ rằng, các thành phần fan quá khích đã tìm được số điện thoại của anh và liên tục gọi điện khiến anh phải block không xuể. Trên đây mới là những ví dụ về biện pháp lên tiếng (có phần yếu ớt) từ phía các thần tượng trước tình trạng fan hâm mộ quá khích.

Mặc dù chuyện tạo sức ảnh hưởng, kiểm soát đám đông có vẻ là điều không tưởng. Thế nhưng, một cá thể có thể tạo được tấm gương cho người khác nhìn vào bằng cách xuất hiện trước truyền thông và bằng những tác phẩm mà họ tạo nên.

20 năm ra đời Stan - Từ ca khúc nhạc rap kinh điển của Eminem, cho đến sự tiên đoán về nền văn hóa Superfan - Ảnh 9.

Có lẽ, Eminem chưa bao giờ đoán định trước rằng bài hát của mình lại có sức ảnh hưởng và mang tính cảnh báo đến vậy. Sự gia tăng đến chóng mặt cả về số lượng lẫn “chất lượng” của những cộng đồng fan hâm mộ hiện nay có phần đóng góp công sức không nhỏ từ tất cả các loại hình truyền thông phát triển. Đặc biệt, mạng xã hội đã trao quyền cho họ để tự do tiếp cận những thông tin cả về sự nghiệp lẫn đời sống cá nhân của những người nổi tiếng. Không phủ nhận rằng, sức mạnh tập thể của một cộng đồng fan hâm mộ có thể mang tới những thứ lợi nhuận khổng lồ cho thần tượng của họ. Nhưng cũng vì sức mạnh khủng khiếp đó mà những hành động không đoán định trước càng trở nên nguy hiểm. Lúc này, quyết định để thể hiện lòng trung thành của mình thuộc về fan hâm mộ và ranh giới mong manh trên cát có được vạch rõ hay không còn tuỳ thuộc vào các thần tượng.

Mọi chuyện trên đời xảy ra đều có những mặt tốt và mặt xấu. Điều quan trọng chính là cách bạn định nghĩa “stan”, những mặt tốt và xấu đi cùng định nghĩa đó. Khi đã có đủ thông tin, bạn là người lựa chọn xem bản thân mình xứng đáng được gọi bằng cái tên nào.