Tìm hiểu triết lý "yêu mến" hacker của Facebook

Quỳnh Trang, Theo 11:00 07/02/2012

Facebook coi việc quý trọng hacker như một bí quyết thành công của mình.

Với nhiều người, hacker là nhân vật phản diện vô danh thường đánh sập trang web hoặc trộm cắp thông tin nhạy cảm. Nhưng với Facebook, hacker không hoàn toàn như vậy. Thậm chí, đây giống như một nét văn hóa của hãng, nhằm cổ vũ ý tưởng mới hay quảng bá sản phẩm thật nhanh chóng. Chính cách tiếp cận này đang giúp Facebook trở thành mạng xã hội lớn nhất hành tinh.
 
Theo Mark Zuckerberg, hacker luôn tin rằng: “Mọi thứ còn có thể trở nên tốt hơn nữa và không có gì là hoàn hảo”. Anh chàng vừa nộp một bài viết dưới chủ đề Hacker Way đính kèm hồ sơ gửi lên Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái Mỹ, trong phi vụ đăng ký phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu tiên (IPO).
 
Nhắc đến Hacker Way, Phó giáo sư Robert D'Ovidio tại trường Đại học Drexel (Mỹ), chuyên nghiên cứu về tội phạm tin học bày tỏ quan điểm: “Một cách hình tượng, điều này không tốt cho Facebook và nhà đầu tư tiềm năng. Tôi nghĩ rằng đây là sự thể hiện có phần non nớt của Mark, cậu ấy nên suy nghĩ kỹ hơn”.
 
 
 
Bằng cách sử dụng từ khóa hacker, chàng tỷ phú 27 tuổi muốn ám chỉ rằng mọi nhà sáng lập tại những công ty lớn đều làm tin tặc. Theo Mark, “bản thân từ hacker không có nghĩa tiêu cực như báo giới thường dùng để mô tả người xâm nhập vào máy tính. Trên thực tế, hoạt động hacking chỉ có nghĩa tạo ra thứ gì đó nhanh chóng và thử nghiệm ranh giới của những điều có thể thực hiện được”.
 
Trên thực tế, Facebook yêu cầu tất cả kỹ sư mới sẽ không viết code mà phải trải qua một chương trình có tên Bootcamp. Họ được học về nền tảng code, những công cụ và cách thức tiếp cận truyền thống tại Facebook. Nhà mạng cũng thường tổ chức sự kiện hacker vài tháng 1 lần.
 
Mọi thứ đều có hai mặt. Hacker xấu tìm cách phá hủy internet, đột nhập tài khoản cá nhân, đánh cắp tiền từ thẻ tín dụng, tấn công website... Ngược lại, nhiều hacker quyết định “phá hoại” để đổi mới, như hacker “mũ trắng” chống lại hacker “mũ đen”, hoặc hacker được thuê nhằm tìm kiếm lỗ hổng phần mềm. Kevin Mitnick, người từng phải vào tù do đánh cắp thông tin của một số tập đoàn lớn thuộc lĩnh vực công nghệ cao nay trở thành cố vấn bảo mật danh tiếng. “Tôi đột nhập vào máy tính và dò tìm những lỗ hổng trước khi kẻ xấu nhận thấy chúng”, ông chia sẻ.
 
 
 
Với Kevin Mitnick, Hacker Way của Mark Zuckerberg là tìm kiếm phương pháp thông minh giúp giải quyết vấn đề, tìm ra cái mới nhằm thay thế cái cũ. Viện Công nghệ Massachusetts cũng sử dụng thuật ngữ hack khi nhắc đến việc tinh chỉnh hệ thống điện thoại và máy tính từ hơn nửa thế kỷ trước. Nói tới hacker, nhà văn Steven Levy, tác giả cuốn “Anh hùng của cuộc cách mạng máy tính” khéo léo nhận định: “Họ là những người đã làm thay những điều mà bạn không phải làm trên máy tính”.
 
Trước khi sáng lập Apple, Steve Jobs và đồng nghiệp Wozniak từng hack mạng điện thoại tại Mỹ khi muốn gọi đường dài miễn phí. Tuy nhiên, đến thập niên 80-90, hình ảnh hacker dần trở nên xấu hơn. Người ta đổ lỗi cho Robert Morris, chàng sinh viên khoa học đã phát hiện lỗ hổng trên máy tính và xuất xưởng loại sâu máy tính đầu tiên trên thế giới. “Cậu ta gần như đã khiến internet chấm dứt”, Robert D'Ovidio tâm sự.
 
 
 
Sau đó, hàng loạt bộ phim đình đám như War Games nhanh chóng khiến người dùng cảm thấy lo lắng trước hacker, bởi một tin tặc đã châm ngòi chiến tranh thế giới nhờ máy tính. Cũng trong thời gian này, máy tính trở nên phổ biến hơn, khiến dân tình quan tâm nhiều đến chuyện máy tính làm việc như thế nào và bằng cách nào mà chúng bị xâm nhập.
 
“Bản tuyên ngôn về hacker” của ông chủ Facebook giống như sự ủng hộ lớn cho giới tin tặc. Theo triết lý trên, Mark Zuckerberg vẫn dành hàng giờ miệt mài gõ code khi xung quanh luôn có hàng trăm kỹ sư. Sự đổi mới không ngừng giúp Facebook ngày càng mạnh mẽ, bất chấp mọi lời khen chê, 845 triệu thành viên là một con số không thể ấn tượng hơn.
 
 
 
Mặc dù vậy, nhiều người không tin rằng Mark Zuckerberg có thể thay đổi định kiến: “Mọi người không sợ hãi một công nghệ được định hướng bởi hacker. Cái làm họ lo lắng là khi người khác thực hiện điều bất thường với những phần mềm mà họ không hiểu. Có lẽ sau khi họ đã hiểu biết tốt hơn và hài lòng với công nghệ nói chung, hacking mới có thể được xem như cách sử dụng máy tính thông minh hơn”.
 
Ngược lại, không ít nhân vật đang lên tiếng ủng hộ Mark Zuckerberg khi mang đến cái nhìn thiện cảm hơn về hacker. Cadir Lee, Giám đốc công nghệ của Zynga, nhà cung cấp trò chơi lớn nhất cho Facebook luôn xem mình như một hacker. Theo ông, tại Zynga, Hacker Way có nghĩa là trở nên linh hoạt, “khi những trò chơi không hoàn hảo hoặc chứa nhiều lỗi, chúng cần được phát hiện và sửa chữa”.