Tên của những hệ điều hành phổ biến tới từ đâu?

Cú Mèo, Theo Trí Thức Trẻ 15:01 03/04/2014

Ngoài tên gọi chính, một hệ điều hành còn có tên phiên bản và tên mã, tất cả đều được đặt theo một quy luật hay lý do nào đó.

Đằng sau mỗi cái tên luôn là một câu chuyện thú vị. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn hiểu được lý do giải thích cho cái tên của một số hệ điều hành phổ biến hiện nay.

1.  MS-DOS


Micro Soft Disk Operating System (MS-DOS) được đăng kí bản quyền lần đầu tiên dưới tên gọi Quick and Dirty Operating System (QDOS) và thuộc sở hữu của công ty Seattle Consumer Products. MS-DOS hoàn toàn không có giao diện người dùng đồ họa (GUI), thay vào đó, nó hoạt động dựa trên các dòng lệnh đơn thuần được nhập vào bởi người dùng. DOS thực ra là một thuật ngữ khá chung của ngành công nghệ lúc bấy giờ khi là viết tắt của “Disk Operating System” (hệ điều hành đĩa) và MS-DOS chỉ đơn giản là cách để Microsoft phân biệt hệ điều hành của mình với các hệ điều hành khác cùng thời như Apple DOS, AmigaDOS hay freeDOS.

2. Windows 1.0 – NT 4.0


Cái tên “Windows” đến từ việc hệ điều mới mà Microsoft phát triển lúc bấy giờ (Windows 1.0) giao tiếp với người dùng thông qua các “cửa sổ” cùng giao diện người dùng đồ họa GUI. Cho đến nay, Microsoft vẫn tận dụng hình ảnh của những chiếc cửa sổ làm đặc trưng cũng như tên gọi hệ điều hành máy tính mình đang hỗ trợ.

Microsoft gắn bó với cách đặt tên phiên bản hệ điều hành với kiểu số từ 1.0 cho tới 3.1, sau đó, hãng bắt đầu thêm vào hai chữ NT, viết tắt của New Technology để chỉ công nghệ mới họ đang thực hiện, khai sinh ra phiên bản mới Windows NT 4.0.

3. Windows 95 – ME


Cũng có một vài phiên bản Windows trong đó Microsoft tận dụng luôn năm ra mắt làm tên gọi, có thể kể đến như Windows 95, Windows 98, Windows ME (Millennium Edition) và Windows 2000. Trong số này, Windows 95, 98 và ME được dựng lên trên nhân của Windows 3.1. Windows ME được ra mắt vào năm 2000 dành cho các dòng máy tính phục vụ các hộ gia đình trong khi đó Windows 2000 được tối ưu cho các máy tính phục vụ giới kinh doanh, công việc.

Windows 2000 sử dụng nhân NT do đó có thể được coi là phiên bản kế nhiệm trực tiếp của NT 4.0.

4. Windows XP, Vista và Windows 7


Windows XP ra đời năm 2001 với XP là viết tắt của eXPerience (trải nghiệm). 7 năm sau XP, Microsoft ra mắt Windows Vista . Theo chia sẻ của Microsoft, cái tên Vista được lấy cảm hứng từ một triết lý quen thuộc của hãng này “At the end of the day…what you’re trying to get to is your own personal Vista.” (tạm dịch: Cuối cùng... tất cả những gì bạn muốn đạt đến vẫn là có được triển vọng của riêng mình).  Dẫu vậy, vì rất nhiều lý do, Windows Vista không hề đạt được “triển vọng” tươi sáng mà Microsoft ấp ủ.

Trong khi đó, Windows 7 được đặt tên như vậy vì đây là phiên bản thứ bảy kể từ thời Windows 95. Mặc dù nếu đếm từ phiên bản đầu tiên nhất, Windows 7 đã là phiên bản thứ 10 tuy nhiên Microsoft chia sẻ nếu đặt tên là Windows 10, mọi người sẽ có thể nhầm lẫn giữa nền tảng này và Mac OS 10.

5. Mac OS 8 – 10


Mac OS 8 ra mắt vào năm 1997, một thời gian ngắn sau khi Steve Jobs trở lại làm việc cho Apple. Nó được dự định tung ra thị trường với tên phiên bản là 7.7 tuy nhiên Apple phải chuyển thành 8 vì điều này sẽ có lợi hơn cho một số lý do pháp lý.

Mac OS 9 là cột mốc đánh dấu bước chuyển của Apple ra khỏi thế hệ Mac OS “cổ điển” khi đây là phiên bản cuối cùng được lập trình bởi đội ngũ của riêng “táo khuyết”. Bắt đầu từ OS X (OS Ten), nền tảng nàyđược dựng lên từ Berkeley Software Distribution (BSD), hệ điều hành được phát triển bởi chính công ty Steve Jobs dựng lên sau khi ông rời Apple mang tên NeXTSTEP. Công ty này được Apple mua lại vào năm 1997.

6. Linux


Hệ điều hành Linux ban đầu được đặt tên là Freax. Tuy nhiên, Ari Lemmke, người vận hành máy chủ FTP mà nhân hệ thống Linux đầu tiên được tải lên đã tạo cho hệ điều hành này một thư mục chứa gọi là “linux” mà về sau trở thành tên chính thức.

Được biết Linux bắt nguồn từ cụm từ “Linus’ Minix”, tên một hệ điều hành mà cha đẻ của Linux, ông Linus Torvalds, phát triển cho riêng mình.

7. Ubuntu


Ubuntu là một từ bắt nguồn từ ngôn ngữ Zulu và Xhosa thuộc châu Phi với ý nghĩa là “tính nhân văn hướng đến người khác”.

Giống như các bản phân phối khác từ Linux, Ubuntu được ra mắt với hai tên gọi khác nhau, một là tên mã lập trình và một là tên phiên bản. Theo đó, phần tên số cho mỗi phiên bản được đặt dựa theo năm và tháng ra mắt. Ví dụ, phiên bản 10.04 được ra mắt vào tháng 4 năm 2010.

Trong khi đó, tên mã thường là sự kết hợp của một danh từ chỉ động vật và một tính từ bổ nghĩa đứng trước. Hai từ này sẽ bắt đầu bằng một chữ cái giống nhau và được cho là sẽ phần nào mô tả một cách bóng gió về tình trạng của phiên bản này. Giả sử như phiên bản Ubuntu có tên mã Warty Warthog (tạm dịch: lợn lòi nhiều mụn) để ám chỉ việc phiên bản này vẫn chưa được trau chuốt hoàn toàn.

8. Debian


Cũng được xây dựng dựa trên nhân của Linux, cái tên Debian được tác giả hệ điều hành tạo ra bằng cách ghép tên ông (Ian  Murdock) và bạn gái của mình (Debra Lynn).

Mỗi phiên bản Debian được tung ra cũng sẽ có phần tên số (1.0, 2.0,...) cùng phần tên mã. Trong đó, tên mã của hệ điều hành này luôn là các nhân vật đến từ bộ phim hoạt hình nổi tiếng Toy Story. Phiên bản Debian mới nhất là 8.0, hiện chưa ra mắt, được cho là sẽ mang tên cô búp bê cao bồi Jessie.

9. Red Hat/Fedora/CentOS


Là một hệ điều hành còn nhiều lạ lẫm đối với người dùng Việt Nam, Red Hat có tên gọi như vậy bởi mũ đỏ là tượng trưng của sự tự do ở cả hai quốc gia Mỹ và Pháp. Được biết Red Hat có khá nhiều phiên bản phái sinh là Red Hat Enterprise Linux (RHEL), Fedora Project và Cent OS.

Trong đó Red Hat Enterprise Linux không sử dụng tên mã mà chỉ dùng các con số đơn thuần để chỉ phiên bản.

Logo chính của Red Hat có mô phỏng một người đàn ông đang đội một chiếc mũ rộng vành (fedora hat) và đó là lý do bản phân phối của Red Hat có tên Fedora Project.

CentOS trong khi đó là viết tắt của Community ENTerprise Operating System. Tính đến tháng 7 năm 2010, CentOS đã vượt qua Debian để trở thành bản phân phối Linux phổ biến nhất dành cho máy chủ web.

10. Gentoo


Tên ban đầu của Gentoo là Enoch và nó được đổi bởi chính cha đẻ của nó, Daniel Robbins. Được biết, Gentoo được đổi tên lần đầu tiên khi Daniel và các cộng sự bắt đầu sử dụng trình biên dịch EGCS thay vì GCC với mong muốn cải thiện được tính năng và tốc độ. Gentoo được đặt tên theo một trong những loại chim cánh cụt có thể bơi nhanh nhất.

11. SuSE


SuSE là một bản phân phối đến từ nước Đức với tên gọi là viết tắt của  Software und System Entwicklung (tạm dịch: phát triển phần mềm và hệ thống).

12. iOS


Trái ngược với sự lầm tưởng của nhiều người khi cho rằng chữ “i” đứng trước cụm “OS” được Apple sử dụng nhằm ám chỉ tính cá nhân trong trải nghiệm người dùng, thực ra “iOS” là cách viết ngắn gọn của iPhone OS, tên gốc của hệ điều hành di động được yêu thích này.