Ngắm 10 thiết bị “thủy tổ” của Netbook hiện đại

Cú Mèo, Theo Mask Online 00:00 01/05/2013

Khái niệm Netbook được chính thức giới thiệu năm 2008, thế nhưng, những thiết bị có kích thước nhỏ gọn như thế đã xuất hiện từ rất lâu trước đó.

Rất nhiều nghiên cứu đã được công bố gần đây đều ủng hộ giả thuyết netbook sẽ chính thức “tuyệt chủng” vào năm 2015 bởi sự xuất hiện và ồ ạt tấn công của tablet.

Tuy nhiên, dù sao thì hãy cùng trở lại thời điểm gần 3 thập kỉ trước, khi chiếc máy tính được cho là tiền thân đầu tiên của netbook hiện đại xuất hiện và xem công nghệ đã có những bước phát triển thần kì ra sao để cuối cùng có thể khai sinh ra những thiết bị đa năng cùng thiết kế tinh tế của ngày hôm nay.

1. Atari Portfolio / DIP Pocket PC

Ngắm 10 thiết bị “thủy tổ” của Netbook hiện đại 1Được biết đến là chiếc palmtop (khái niệm dùng để chỉ dòng máy tính nhỏ, có thể cầm và sử dụng trong lòng bàn tay) đầu tiên trên thế giới, DIP Pocket PC được phát triển bởi bộ ba cựu nhân viên công ty Psion và tung ra ở Anh vào năm 1989. Chiếc máy này được trang bị vi xử lý Intel 80C88 4,9 MHz, 128 KB RAM. Máy chạy trên hệ điều hành tương thích nền tảng MS-DOS với các ứng dụng được cài sẵn được hiển thị trên màn hình đơn sắc 8 dòng độ phân giải 240 x 64 pixel. Thiết bị chạy bằng 3 cục pin AA cùng một pin dạng tròn được lắp đặt để giữ các dữ liệu trên RAM trong trường hợp bạn cần thay pin.

Atari Portfolio / DIP Pocket PC được bán với giá 400 USD (khoảng 8,4 triệu đồng) và đến năm 1993 thì ngừng sản xuất.

2. Poqet PC

Ngắm 10 thiết bị “thủy tổ” của Netbook hiện đại 2Năm 1988, một trong những người sáng lập lên DIP (công ty sản xuất ra dòng palmbook giới thiệu phía trên), Ian Culllimore đã rời công ty. Sau đó, ông sang Mỹ mở thương hiệu riêng và tạo ra một thiết bị tên Poqet PC với các thông số kĩ thuật nhỉnh hơn DIP Pocket PC.

Cụ thể, Poqet PC được trang bị vi xử lý 7MHz cùng 512KB bộ nhớ. Không những thế, người dùng còn có thể mở rộng bộ nhớ máy qua hình thức gắn thẻ flash PCMCIA. Ở phương diện màn hình, Poqet PC mang trong mình một sự cải tiến lớn với khả năng hiển thị 80 cột và 25 dòng ở độ phân giải 640 x 200. Thiết bị này chạy trên nền tảng MS DOS 3.3.

5 năm sau khi Poqet PC ra đời, Fujitsu đã thâu tóm cái tên này và sau đó giới thiệu dòng máy Poqet PC Plus với thông số kĩ thuật được cải thiện rất nhiều. Tuy nhiên, sản phẩm đã “chết yểu” ngay trong năm đó, một phần lí do là chúng được bán ra với mức giá quá cao 2.000 USD (khoảng 41,6 triệu đồng).

3. Psion MC200

Ngắm 10 thiết bị “thủy tổ” của Netbook hiện đại 3
MC200 là dòng máy chạy hệ điều hành EPOC được sản xuất và phân phối bởi Psion.

MC200 sử dụng vi xử lý Intel 80C86 7,7 MHz và 128KB RAM cùng với đó là 4 khe cắm để mở rộng bộ nhớ máy. Thiết bị này sở hữu màn hình LCD đơn sắc độ phân giải 640 x 200.

Sau khi MC200, Psion cũng tung ra thêm hai bản nâng cấp cho dòng máy này nữa có tên gọi MC400 và MC600. Có thể nói MC200 chính là viên gạch nối vững chắc để Psion cho ra đời thành công dòng palmtop tiếp theo, Series 3.

4. HP 95LX

Ngắm 10 thiết bị “thủy tổ” của Netbook hiện đại 4
Là một trong những công ty máy tính lớn nhất thế giới, HP lúc bấy giờ chắc chắn cũng không thể khoanh tay đứng nhìn phân khúc máy tính “bỏ túi” bị khai thác. Tháng 4 năm 1991, hãng chính thức bước chân vào thị trường với sản phẩm 95LX, chiếc palmtop chạy trên vi xử lý Intel 8088 V20 5,4 MHz.

HP 95LX cũng được trang bị trình soạn thảo văn bản cơ bản, lịch năm cùng với đó là tính năng cho phép chuyển nhận dữ liệu thông qua cổng hồng ngoại. Máy sở hữu màn hình đơn sắc LCD 248x128 pixel và chạy hệ điều hành MS DOS 3.22.

Hai năm sau khi 95LX ra đời, HP làm mới lại dòng máy này với phiên bản 100LX, nâng cấp vi xử lý lên Intel 80186 7,9 MHz.

Đến năm 1993 thì HP chính thức khai từ dòng máy LX này.

5. Psion Series 3

Ngắm 10 thiết bị “thủy tổ” của Netbook hiện đại 5
Như đã giới thiệu ở trên, dòng Series 3 đến từ Psion mang trong mình rất nhiều điểm khác biệt so với thế hệ trước.

Cụ thể, Series 3 được tạo lên từ vỏ máy có kích thước 165 x 85 x 22 mm với các phím mở nhanh ứng dụng đặt trên đầu bàn phím. Máy chạy hệ điều hành EPOC 16 bit và có hai khe cắm thẻ nhớ ROM ở hai bên thân máy. Psion Series 3 được đánh giá cao nhờ các tính năng vượt trội trong việc phục vụ công việc, quản lý thông tin cá nhân và các công cụ lập trình.

Phiên bản gốc của Series 3 sở hữu màn hình 240 x 80 pixel, tuy nhiên ở hai phiên bản nâng cấp sau là Series 3a và 3mx màn hình đã có rất nhiều cải thiện đáng chú ý như nâng cấp độ phân giải lên 480 x 160 pixel và bổ sung tính năng đèn nền.

Năm 1998, Psion chính thức ngừng sản xuất dòng Series 3 để tập trung vào Series 5 (thiết bị có màn hình 5,6 inch độ phân giải 640 x 240 pixel cùng vi xử lý CL-PS7110 ARM710 18 MHz, chạy hệ điều hành mới EPOC 32).

6. Olivetti Quaderno

Ngắm 10 thiết bị “thủy tổ” của Netbook hiện đại 6
Thiết kế bởi Mario Bellini và Hagai Shvadron, chiếc palmtop đến từ đất nước Italia này chạy hệ điều hành MS DOS với sức mạnh từ vi xử lý Intel 8088 V30 HL 16MHz cùng 20MB ổ đĩa cứng. Một năm sau khi phiên bản chạy MS DOS ra mắt, hãng Olivetti cũng giới thiệu phiên bản chạy Windows 3.1 của dòng máy này với ổ cứng được nâng cấp lên tới 60 MB.

Olivetti Quaderno sở hữu thân máy nhỏ gọn với kích thước 210 x 148 mm, màn hình 7 inch độ phân giải 640 x 400. Máy chạy bằng 6 cục pin AA.

7. Toshiba Libretto

Ngắm 10 thiết bị “thủy tổ” của Netbook hiện đại 7
Ở những năm 1990, trong khi người phương Tây đề cao kích thước màn hình và hiệu năng hoạt động của thiết bị thì ở Nhật Bản, tính di động cao là một đặc điểm đáng tiền. Đó là lý do tại sao ban đầu Toshiba chỉ cung cấp dòng máy Libretto ở thị trường Nhật Bản. Thiết bị này được trang bị chip AMD 486 với bộ nhớ 270-500 MB cùng màn hình TFT 6,1 inch. Máy chỉ nặng 840 gam.

Hơn một năm sau khi lần đầu tiên xuất hiện ở thị trường Nhật Bản, Toshiba cũng mang dòng máy này đến thị trường Anh và Mỹ. Để đáp ứng nhu cầu của người dùngở đây, vi xử lý AMD lúc bấy giờ cũng được thay thế bằng dòng chip Intel Pentium.

Toshiba Libretto có giá thành 248.000 Yên (khoảng 52,6 triệu đồng).

8. Apple eMate 300

Ngắm 10 thiết bị “thủy tổ” của Netbook hiện đại 8
Được tung ra thị trường với mục tiêu mang đến cho giới học sinh, sinh viên một thiết bị máy tính giá rẻ, Apple eMate 300 không chỉ nổi tiếng nhờ kích thước nhỏ bé của mình. eMate 300 sử dụng vi xử lý ARM 25MHz và chạy hệ điều hành Newton OS. Thiết bị có màn hình cảm ứng đi kèm là một cây bút tương tác và bàn phím kích thước đầy đủ. Màn hình của eMate 300 có kích thước 7 inch độ phân giải 480 x 320 pixel. Tất cả được gói gọn trong một thân máy được thiết kế khá mềm mại và bắt mắt.

Lúc bấy giờ hệ điều hành Newton đã tỏ ra khá nổi bật trên thị trường với rất nhiều các ứng dụng hỗ trợ quản lí thông tin cá nhân, các công cụ vẽ hay soạn thảo văn bản và thậm chí cả ứng dụng hỗ trợ đọc sách điện tử.

eMate 300 lần đầu tiên được Apple bán ra thị trường vào năm 1997 với mức giá 800 USD (khoảng 16,6 triệu đồng).

9. HP Jornada 820

Ngắm 10 thiết bị “thủy tổ” của Netbook hiện đại 9
Đại diện thứ hai của HP xuất hiện trong danh sách này chạy hệ điều hành Windows CE và có tên Jornada.

Chiếc 820 được trang bị vi xử lý 190 MHz Intel StrongARM cùng 16MB RAM. Thiết bị sở hữu màn hình 256 màu 8,2 inch độ phân giải 840 x 480 pixel cùng modem tích hợp 56Kbps và cổng hồng ngoại. Bộ nhớ của máy có thể được mở rộng thông qua khe cắm thẻ CompactFlash bên cạnh phải và khe cắm PCMCIA bên cạnh trái.

HP ngừng sản xuất dòng Jornada khi công ty này hợp nhất với Compaq năm 2002 mặc dù khi ấy chiếc 820 vẫn được tiêu thụ với số lượng khá khả quan trên thị trường,

10. Psion Series 7

Ngắm 10 thiết bị “thủy tổ” của Netbook hiện đại 10Vẫn trung thành với hệ điều hành do chính mình phát triển EPOC OS, dòng máy Series 7 do Psion tung ra thị trường được trang bị vi xử lý StrongARM 133MHz, màn hình màu độ phân giải 640 x 480 cùng 16MB bộ nhớ trong.

Có một điểm khá thú vị về hệ điều hành EPOC OS mà các dòng máy của Psion sử dụng. EPOC chính là tiền thân của Symbian, hệ điều hành đã cùng Nokia chinh phục rất nhiều thị trường điện thoại di động, trước khi các hệ điều hành thông minh xuất hiện.