Mỗi người dành 4 năm cuộc đời để sử dụng smartphone

Cú Mèo, Theo Mask Online 11:58 09/03/2013

Nghiên cứu mới đây cho thấy trung bình mỗi người trên thế giới đang bỏ ra 90 phút mỗi ngày để dùng di động,

Bạn dành bao nhiêu thời gian mỗi ngày cho chiếc điện thoại di động của mình? Mới đây, theo một nghiên cứu được thực hiện, số thời gian trung bình tiêu tốn vào điện thoại của một người đã được xác định là hơn 3 tuần trên một năm. Quả là một con số đáng giật mình.

Mỗi người dành 4 năm cuộc đời để sử dụng smartphone 1
Bạn đang dành 90 phút mỗi ngày, 23 ngày mỗi năm và gần 4 năm cuộc đời dành cho điện thoại?

Trang MobileInsurance.co.uk mới đây đã thực hiện một cuộc khảo sát trên 2.314 người dùng điện thoại về vấn đề họ dành bao nhiêu phút mỗi ngày để nhắn tin, gọi điện, sử dụng ứng dụng hoặc bất cứ tác vụ nào khác trên điện thoại. Con số trung bình mà khảo sát này chỉ ra đó là khoảng 90 phút trên ngày, tương đương 32.850 phút hay nói cách khác là 22,8 ngày trên một năm.

Như vậy trung bình với một người sử dụng smartphone, họ sẽ dành 3,9 năm trong cuộc đời của mình chỉ để “chúi mũi” vào chú “dế”.

Mỗi người dành 4 năm cuộc đời để sử dụng smartphone 2
Với những chiếc smartphone hiện đại và nhiều tính năng, độ gây nghiện còn tăng lên gấp bội.

Bản khảo sát này cũng cho biết thêm, ngày nay, tác vụ được người dùng sử dụng nhiều nhất trên điện thoại chính là duyệt web và nhắn tin thay vì là gọi điện như trước.

Tầm ảnh hưởng của điện thoại cũng lớn đến nỗi các nhà khoa học đã khai sinh ra một hội chứng mới có tên Nomophobia (viết tắt của no-mobile phone phobia) tạm dịch là Hội chứng bất an khi không tiếp xúc với điện thoại.

Mỗi người dành 4 năm cuộc đời để sử dụng smartphone 3
Hãy sử dụng điện thoại nói riêng hay công nghệ nói chung thông minh và hợp lý để tận hưởng cuộc sống chân thực.

Bạn cũng đang dành khoảng 90 phút một ngày sử dụng điện thoại, hay thậm chí còn nhiều hơn? Nếu vậy, điện thoại đang làm cuộc sống của chúng ta tốt đẹp hơn hay vô tình biến con người thành “nô lệ” của chúng? Mặc dù những con số của cuộc khảo sát này không có tính khoa học quá cao, đồng thời, cũng không được tiến hành trên một phạm vi thực sự lớn nhưng nó cũng đủ để gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh về cách mà con người đang quá phụ thuộc vào công nghệ mà quên đi những điều đẹp đẽ ngoài cuộc sống.