Khi Facebook gieo rắc nỗi sợ hãi ở Việt Nam

GenK, Theo 16:00 15/01/2011

Facebook xuất hiện đã tạo ra nỗi khiếp sợ vô hình trong thế giới mạng Việt Nam.

Facebook – mạng xã hội lớn nhất thế giới với “đội quân” đông đảo hơn 500 triệu tài khoản đã và đang thống lĩnh thế giới mạng. Chỉ mới xuất hiện tại Việt Nam vài năm gần đây nhưng website này đã nhanh chóng khiến một số lượng lớn cư dân mạng trở thành “fan ruột”. Vậy thứ gì trong thế giới mạng Việt Nam “sợ” Facebook nhất?
   
Các mạng xã hội thương hiệu Việt
      
Mạng xã hội thương hiệu Việt tuy đã có chỗ đứng nhất định trong lòng người dùng; tuy nhiên, để có thể đánh bại được “ông lớn” Facebook về mọi mặt, có lẽ các nhà cung cấp còn phải cố gắng nhiều. Bởi lẽ, "hàng nội" hoặc mang tiếng đạo lại Facebook, hoặc chẳng có gì đặc biệt trong mắt người sử dụng.
 
 
Tính đến nay, Zing Me là sản phẩm thuần Việt thành công nhất với hơn 5 triệu tài khoản người dùng. Tuy nhiên, thương hiệu này chắc vẫn phải phần nào nể phục Facebook ở Việt Nam. Được đánh giá có nhiều tính năng hay ho, hoạt động sôi nổi, nhưng Zing Me dường như chưa thực sự dành được sự yêu mến của nhiều đối tượng người dùng như đối thủ.
 
Các mạng xã hội mới xuất hiện như: Yoo!, Phụ nữ net, ACC... thì vẫn đang trên con đường tìm chỗ đứng, nói chi việc gây được áp lực tới thương hiệu của Mark Zuckerberg tại Việt Nam.
       
Blog Việt vắng bóng khách vãng lai
             
Chắc hẳn bạn đọc vẫn chưa quên một thời Yahoo! 360 lên ngôi tại Việt Nam. Do tích hợp khá tiện dụng với Yahoo! Messenger, blog Yahoo trở thành sự lựa chọn hoàn hảo của nhiều người Việt. Tuy nhiên từ khi Yahoo! 360 tuyên bố đóng cửa, cộng đồng mạng đang băn khoăn không biết đi đâu, về đâu thì Facebook đột ngột xuất hiện, đem đến sân chơi mới cho các “tín đồ” của blog.
              
Yahoo! blog, vùng đất đã bị lãng quên.
          
Khả năng kết nối dường như là vô hạn, chia sẻ ảnh, video nhanh chóng, giao diện đơn giản, dễ dùng… chỉ sau một thời gian ngắn, Facebook đã thu hút một lượng lớn người dùng ở mọi lứa tuổi. Ngoài ra, mạng xã hội này cũng là cái tên đầu tiên đem đến một căn bệnh đang rất phổ biến trong cộng đồng mạng hiện nay: Hội chứng “nghiện” Facebook.
       
 
Không chỉ khiến blog Yahoo! hết cửa làm ăn, Facebook còn kéo theo sự vắng vẻ trên Yahoo! Messenger. Tính năng chat trực tiếp trên trình duyệt web thuận tiện, hữu ích khiến nhiều người sử dụng chuyển qua online trực tiếp trên Facebook mà không thèm “ngó ngàng” gì tới tài khoản Yahoo chat. Có lẽ, để cứu vãn tình thế mà Yahoo! Messenger phiên bản mới nhất đã cập nhật thêm tính năng chat với tài khoản Facebook.
       
Quả thật, với tính năng vượt trội, kết nối cực tiện dụng của Facebook, blog Việt quá cũ kĩ và chậm chạp nên dần vắng bóng cũng là điều quá đỗi hiển nhiên.
               
Nhà mạng cũng “sợ” Facebook
   
Bình thường, người dùng chỉ gọi cho tổng đài của nhà cung cấp mạng khi đường truyền Internet gia đình gặp sự cố không kết nối được, hoặc thắc mắc về chi tiết của một số gói cước. Chỉ khi Facebook xuất hiện, cư dân mạng mới có một lí do mới để gọi điện cho nhà mạng là: Thắc mắc về Facebook.
          
Nhà mạng thường bị khách hàng phàn nàn (ảnh minh họa).
                 
Mạng xã hội tải chậm, không đăng nhập được vào tài khoản Facebook… là chuỗi câu hỏi mang tính “tuần hoàn” lúc nào cũng được lặp đi lặp lại nhiều lần. Bị phàn nàn liên tục như vậy, nhà mạng “sợ” Facebook cũng là điều đương nhiên mà thôi.
               
Dịch vụ chia sẻ trực tuyến thất sủng
 
Facebook, với tính năng lưu trữ ảnh trực tuyến và video ấn tượng, kèm hệ thống bình luận tiện dụng đã khiến nhiều tín đồ “say sưa”, quên rằng còn nhiều website lưu trữ ảnh trực tuyến khác. Có lẽ những cái tên như Zing Photo, anhso.net, clip.vn… sẽ mãi mãi chìm vào quên lãng nếu không có biện pháp lôi kéo người dùng trở lại.
                  
              
Một bên sau khi ảnh được tải lên bạn bè tha hồ vào bình luận, so với những nơi ảnh tải lên chỉ mang tính chất lưu trữ. Tất nhiên người sử dụng sẽ chọn phương án đầu tiên, ảnh được tải lên đồng nghĩa với việc nhiều bình luận. Bởi lí do đó, các dịch vụ chia sẻ ảnh, video bị khách hàng “lờ đi” cũng là chuyện dễ hiểu.
 
Chừng đó nguyên do đủ khiến cho các dịch vụ online tại Việt Nam điêu đứng. Dù Facebook có tiện dụng đến mấy, và có thích nó như nào đi chăng nữa, bạn cũng đừng quên thử những thương hiệu “cây nhà lá vườn” nhé!