iPhone có thể "chết yểu" dưới tay nhà mạng

Dũng NT, Theo Mask Online 12:02 08/07/2012

Bạn từng nghĩ rằng, các nhà mạng chính là nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của ngành công nghiệp di động?

5 năm trước, iPhone mang đến cuộc cách mạng trong làng smartphone. Nhưng chú dế "táo khuyết" lại phủ bóng lên sự thật nghiệt ngã của thị trường viễn thông. Đó là nơi được kiểm soát bởi các nhà mạng, họ được quyền lựa chọn người thắng kẻ thua trong cuộc chiến di động. Và iPhone xuất hiện, nhanh chóng thành công trong khi thị trường viễn thông gặp toàn thất bại.
 
Thời điểm đó, các nhà mạng đứng cửa trên trong mối quan hệ với hãng sản xuất. Họ muốn đối tác phải hoạt động theo ý mình. Nếu như Nokia hay Motorola không làm thì Samsung và LG sẵn sàng thay thế.
 
Apple thì khác, Steve Jobs từng phát biểu: "Chúng tôi không giỏi làm việc đó". Bằng chứng là khi iPhone sắp xuất hiện, mọi người đều nghĩ Verizon sẽ phân phối smartphone. Nếu không phải Steve Jobs thay đổi quyết định, ký hợp đồng với AT&T thì chưa chắc iPhone đã tồn tại đến bây giờ.
 
 
Tại Hội nghị D3 năm 2005, Steve Jobs bày tỏ lo ngại rằng Apple không thể chiếm lĩnh thị trường nếu thiếu hỗ trợ từ phía nhà mạng. Đến năm 2007, Apple phát hành smartphone theo cách của riêng mình. Họ thắng lợi trong việc xây dựng hình ảnh chiếc điện thoại được sản xuất theo mong muốn của khách hàng chứ không phải mong muốn của nhà mạng. Hai điều này trước đây chưa từng đi đôi với nhau.
 
Độc quyền trong kinh doanh
 
Đại diện của một nhà mạng lớn từng phát biểu: "Độc quyền là liều thuốc độc với sự tồn tại của chúng tôi. Nhưng chúng là cách duy nhất để kinh doanh".
 
Hãy nhìn vào câu chuyện của Palm, bắt đầu từ CES 2009 và kỷ lục thất bại trong 31 tháng ngắn ngủi. Khi đó, công ty muốn phân phối Pre qua mạng Verizon nhưng bị từ chối. Palm phải tập trung làm việc với Sprint, tuy nhiên nhà mạng này cũng không thể đối đầu iPhone.
 
Khi Verizon nhận lời phân phối Pre Plus một năm sau, họ đặt trước vài triệu máy nhưng lại đơn phương từ chối nhận hàng để tập trung vào Motorola Droid. Chúng khiến Palm bị tồn kho hàng loạt sản phẩm và chẳng thể dùng với bất kỳ mạng nào khác. Quyết định trên tiêu tốn của Palm hàng trăm triệu USD, trực tiếp khiến công ty tụt dốc và rơi vào tay HP. Hệ điều hành webOS đầy hứa hẹn cũng trở thành dĩ vãng.
 
 
"Nếu chúng tôi có thể giới thiệu thiết bị trên mạng Verizon cùng thời điểm với Droid, tôi nghĩ chúng tôi sẽ nhận được sự chú ý tương đương với Droid từng nhận được. Và từ đó Palm chắc chắn sẽ trình làng một sản phẩm tốt hơn nhiều", dẫn lời ngài Jon Rubinstein, CEO Palm năm 2010.
 
Google và Microsoft cũng tránh xa nhà mạng
 
Dù Google và Microsoft đều là những "ông lớn" với khả năng tài chính dồi dào, song họ vẫn tránh xa các nhà mạng. Microsoft muốn tăng doanh thu ngoài thị trường PC truyền thống bằng máy tính bảng Surface, nhưng nó chỉ cung cấp bản Wi-Fi và họ từ chối xác nhận việc hợp tác với nhà mạng.
 
Google có động thái tương tự khi giới thiệu Nexus 7, vốn được phát triển để phô diễn sức mạnh phần cứng chứ không chú trọng kết nối di động. Google cũng không bình luận về phiên bản 4G cho Nexus 7.
 
 
Quan hệ giữa gã khổng lồ tìm kiếm với các nhà mạng không thực sự tốt đẹp. Nhiều nguồn tin nói rằng, Verizon đã hoãn phân phối Galaxy Nexus LTE sau khi công bố Motorola Droid RAZR. Nguyên nhân có thể do tính năng ví điện tử Wallet dùng hệ thống thanh toán của Google nhưng không đem tới lợi ích nào cho nhà mạng.
 
Các nhà mạng luôn cảnh giác trước sự đổi mới quá nhanh
 
Nhà mạng thường không muốn dành điều tốt nhất cho khách hàng. "Các nhà mạng luôn cảnh giác trước sự đổi mới của công nghệ di động bởi nó có thể gây nguy hiểm bằng dịch vụ viễn thông giá rẻ", giáo sư trường Luật Columbia, Tim Wu phát biểu.
 
Nếu như HTC hay Samsung có thể cạnh tranh trực tiếp trên cấp độ người tiêu dùng thì các nhà mạng sẽ phải nâng cao chất lượng và giảm giá dịch vụ để cạnh tranh lẫn nhau. Điều này tốt cho người dùng nhưng lại gây khó khăn cho nhà cung cấp viễn thông. Và họ không muốn thế.
 
 
iPhone chiến thắng nhờ lần đầu tiên có một thiết bị được sản xuất theo nhu cầu của khách hàng chứ không phải ý thích của nhà mạng. Nhưng mọi chuyện có thể thay đổi theo chiều hướng xấu. Thành công này không làm chúng ta ngộ nhận về thị trường viễn thông.
 
Khách hàng không cảm thấy bị lừa dối nếu phải sử dụng dịch vụ đắt đỏ và kém chất lượng. Họ chỉ thấy những thiết bị ganh đua phần cứng được lên kệ đều đặn mỗi năm. Hãy mong chờ về một tương lai mà người dùng được đặt lên hàng đầu, cả về chất lượng sản phẩm lẫn dịch vụ viễn thông.