Dự án "Sơn Đoòng 360 độ" đầy ấn tượng được thực hiện như thế nào?

, Theo Trí Thức Trẻ 19:59 22/05/2015

Những thách thức về công nghệ trong điều kiện tác nghiệp khó khăn đã đặt ra không ít thử thách cho nhóm dự án.

Sau sự kiện lên sóng truyền hình trực tiếp trong chương trình ăn khách bậc nhất nước Mỹ Good Morning America, Hang Sơn Đoòng một lần nữa khiến những người yêu du lịch thế giới "nghẹt thở" trong sản phẩm tương tác "Sơn Đoòng 360 độ" được nhiếp ảnh gia Martin Edström đến từ National Geographic cùng các cộng sự thực hiện. Với dự án này, người xem có cơ hội được thám hiểm Hang Sơn Đoòng một cách cực kỳ chân thực và trực quan thông qua màn hình máy tính cùng công nghệ tương tác. Sau khi dự án được công bố, Martin đã chia sẻ những khó khăn về công nghệ mà anh phải vượt qua trong quá trình hiện thực hóa "Sơn Đoòng 360 độ".

Dự án "Sơn Đoòng 360 độ" có sự tham gia của khoảng 50 - 60 người, trong đó có đội ngũ nhiếp ảnh gia gồm 7 người.

Đội dự án cắm trại trong hang.

Martin chia sẻ khó khăn đầu tiên mà anh và các cộng sự nhận ra là vấn đề ánh sáng. Với mục tiêu chụp hình 360 độ cùng với đó là độ phân giải cần đạt tới gigapixel, các nhiếp ảnh gia sẽ phải chụp hàng trăm tấm hình cho một cảnh duy nhất, vì vậy, việc sử dụng đèn flash truyền thống là không khả thi trong tình huống này. Nhóm dự án buộc phải tìm đến các phương án khác, tập trung vào các giải pháp chiếu sáng có tính di động cao. Dù vậy, mọi thứ khó khăn hơn tưởng tượng khi những lựa chọn là rất ít.

Đèn X-LED cung cấp ánh sáng để thực hiện dự án "Sơn Đoòng 360 độ".

Martin cùng Erik Hinnerdal đang chuẩn bị ghi lại một shoot hình.

Cuối cùng, nhóm dự án tìm được một công ty nhỏ có tên X-LED Technology tại Hà Lan với khả năng tạo ra các sản phẩm đèn LED với độ sáng không tưởng, dao động trong khoảng từ 30.000 đến 40.000 lumen. Thêm vào đó, những chiếc đèn này sử dụng năng lượng từ pin chuẩn 18v Ryobi khiến nó trở thành một lựa chọn hoàn hảo cho tính di động. Dù vậy, Martin nói rằng trong suốt quá trình hoàn thành dự án "Sơn Đoòng 360 độ", nhóm dự án đã phải mang theo 16 kg pin.

Hình ảnh được ghi lại có độ chi tiết ấn tượng.

Nhóm dự án vượt qua một vùng tối trong hang.

Tất cả các hình ảnh trong Hang Sơn Đoòng lần này đều được thực hiện ở độ phân giải ít nhất hơn 1 gigapixel, cho phép người dùng zoom vào và tận hưởng từng chi tiết về cảnh vật kỳ vĩ trong hang. Chụp ảnh 360 cũng khó khăn hơn nhiếp ảnh thông thường vì kết quả không thể xem trước được trừ khi có sự trợ giúp của máy tính để ghép lại. Martin nói mặc dù hàng đêm, nhóm dự án đều cố gắng sử dụng laptop để thực hiện một phần khâu hậu kỳ nhằm nỗ lực có được hình dung cơ bản nhất về những gì họ đã ghi lại được. Tuy nhiên, tất cả là không đủ để đưa ra kết luận cho đến khi các công đoạn chỉnh sửa, ghép ảnh được thực hiện kĩ càng và chuyên sâu hơn.

Martin liên lạc với các thành viên khác.

Một thành viên đang thực hiện sao lưu dữ liệu.

Trở về nhà từ Sơn Đoòng, nhóm dự án đã thu thập được 700 gigabyte hình ảnh để thực hiện những công đoạn hoàn thiện. Lượng dữ liệu đồ sộ này bao gồm các hình ảnh định dạng 360 độ, một số video và tệp tin âm thanh. Các hình ảnh trong dự án được chụp bởi máy ảnh Nikon D800 và D810 38MP. Lượng dữ liệu lớn đòi hỏi dung lượng dữ liệu từ 60 đến 90 gigabyte cần được xử lý cùng lúc bởi máy tính. Nhóm dự án nói rằng mặc dù đã nhận được nhiều sự hỗ trợ về công nghệ máy tính mạnh mẽ từ Dell, khoảng thời gian hoàn thiện và hậu kỳ vẫn lấy đi của họ rất nhiều thời gian.

Những gì nhóm dự án mang đến cho người xem nhận được rất nhiều phản hồi tích cực.

Bạn đọc quan tâm có thể chiêm ngưỡng sản phẩm tương tác cực kỳ ấn tượng "Sơn Đoòng 360 độ" của National Geographic tại đây.

(Tham khảo: PetaPixel)