Đánh giá Nokia X - Smartphone Android đầu tiên của Nokia

, Theo Trí Thức Trẻ 19:57 18/03/2014

Được thiết kế để sử dụng Android nhưng tích hợp các tiện ích từ Microsoft và có mức giá rẻ tạo nên sự hấp dẫn riêng cho Nokia X.

Đã ra mắt được một thời gian ngắn, tính tới thời điểm hiện tại Nokia X trở thành sản phẩm smartphone "bình dân" tiếp theo của Nokia trên thị trường. Với mức giá niêm yết 2.549.000 đồng và hiện tại đang dao động vào khoảng 2.300.000 đồng tại nhiều cửa hàng đại lý, đâu sẽ là những điểm nổi bật để Nokia X khẳng định mình hơn với người dùng?

1. Thiết kế

Đơn giản có thể là từ ngữ miêu tả đúng nhất thiết kế của Nokia X, máy sở hữu 3 phím cứng duy nhất là tăng, giảm âm lượng đồng thời là phím nguồn ở cạnh phải thiết bị, trong quá trình sử dụng, người dùng chỉ thao tác với duy nhất 1 phím cảm ứng trên màn hình với chức năng Back (ấn) hoặc Home (giữ). Thiết kế này được thừa hưởng mạnh mẽ từ dòng điện thoại Asha của Nokia.

Đuôi máy là cổng kết nối microUSB.

Cạnh trái lần lượt là phím nguồn cùng phím tăng giảm âm lượng.

Mặt sau của thiết bị là camera 3MP, loa ngoài với thiết kế nhỏ đồng thời là lớp vỏ bọc làm bằng polycarbon, phần nhựa polycarbon lần này được Nokia thiết kế trơn chứ không bóng như ở dòng sản phẩm Lumia. Việc sử dụng nhựa trơn làm cho thiết bị trông chắc chắn hơn mà không quá bóng bẩy, thế nhưng nhược điểm chính là lớp vỏ trơn này khá dễ bám bẩn.


Sau khi tháo lớp vỏ, người dùng có thể dễ dàng thay pin, lắp Sim cũng như thẻ nhớ, các cổng kết nối đều được minh hoạ ở chữ viết và hình ảnh nên rất dễ dàng sử dụng.


Nhìn chung, thiết kế của Nokia X rất chắc chắn và có cảm giác cầm thoải mái trên tay, điểm trừ duy nhất trong thiết kế có lẽ là jack tai nghe khi được thiết kế lệch xuống lưng máy chứ không vào chính giữa như nhiều sản phẩm khác trên thị trường.

Jack tai nghe được thiết kế lệch xuống dưới tạo cảm giác thiếu cân đối.

2. Phần mềm

Màn hình mặc định của Nokia X mang phong cách thiết kế Live Tiles của hệ điều hành Windows Phone, thiết kế này tạo cảm giác quen thuộc với những người dùng Windows Phone trước đây thế nhưng do được chuyển thể từ hệ điều hành Android nên đôi lúc hiện tượng "giật hình" vẫn diễn ra. Các thao tác của sản phẩm chưa được mượt mà như hệ điều hành Windows Phone với đại diện điển hình từ Nokia là Lumia 525.

Màn hình mặc định trên Nokia X giống với giao diện Windows Phone nhưng không có khả năng tuỳ chỉnh màu sắc và chưa mượt như Windows Phone.

Thế nhưng, là một thiết bị sử dụng hệ điều hành Android, người dùng có toàn quyền quyết định Nokia X sẽ có giao diện người dùng ra sao cũng như các thao tác thế nào. Việc Nokia "mở cửa" cho người dùng bằng cách cài đặt ứng dụng ngoài mang lại sự tự do cho Nokia X, khi thử nghiệm chuyển đổi sang một giao diện khác, Nokia X đã có những nét giống với smartphone Android hơn.

Ứng dụng có thể được cài đặt thông qua các chợ ứng dụng ngoài hoặc cài đặt qua bộ cài định dạng apk.

Fast Lane là một điểm mới ở Nokia X, tuỳ thuộc vào tuỳ chỉnh mà người dùng có thể lướt màn hình qua trái hoặc phải để truy cập tính năng Fast Lane. Về cơ bản, Fast Lane giống với trung tâm thông báo của người dùng khi tính năng này hiển thị những ứng dụng sử dụng gần đây, cập nhật phần mềm cũng như nhiều thông báo khác. 

Nokia X có hỗ trợ sử dụng đa nhiệm nhưng người dùng không thể tắt những ứng dụng chạy ngầm thông qua Fast Lane, đây là điểm khá lạ ở sản phẩm. Nếu muốn tắt các ứng dụng ngầm, người dùng buộc phải cài đặt ứng dụng phụ còn Fast Lane sẽ là trạm thông báo mà thôi.


Trong Fast Lane, người dùng có thể tự do tuỳ chỉnh thông báo, loại bỏ những thông báo không cần thiết cũng như thiết lập các "đường tắt" để truy cập mạng xã hội nhanh hơn.

3. Hiệu năng

Tạm quên đi vấn đề phần cứng vì Nokia X chỉ là một chiếc smartphone giá rẻ cho những người muốn trải nghiệm smartphone hoặc đơn giản sở hữu một thiết bị không quá phức tạp. Nokia đáp ứng được đầy đủ các tính năng cho người dùng từ kết nối mạng, 3G, nghe nhạc và thậm chí là chơi cả những trò chơi đồ hoạ "khủng".


Khi mới sử dụng, việc chỉ sở hữu duy nhất một phím bấm cho các thao tác nhiều khi gây bất lợi, nhất là với những người dùng sử dụng không quen. Thế nhưng khi đã sử dụng quen và phối hợp cùng Fast Lane, khả năng sử dụng cũng như kết quả mà Nokia X mang lại khá ấn tượng.

Chơi game trên Nokia X có vẻ không phải là điều lý tưởng để làm khi màn hình của thiết kế không quá lớn, cấu hình đủ để chơi rất nhiều trò chơi đồ hoạ nặng nhưng chưa đủ để tạo trải nghiệm "mượt" khi chơi. Hơn thế nữa, màn hình của Nokia X chỉ hỗ trợ 2 ngón tay thao tác một lúc, thế nên với những trò chơi cần dùng... nhiều ngón tay hơn sẽ rất khó đề điều khiển.


Về các tác vụ giải trí thông thường như xem video, nghe nhạc hay lướt mạng xã hội, Nokia X sẽ không làm người dùng thất vọng, loa ngoài có lượng âm thanh phát ra lớn đủ để... ù tai nếu như để gần, các tiện ích mạng xã hội cho Android có thể dễ dàng được cài đặt vào Nokia X. Trong thử nghiệm, với các tác vụ thông thường như mạng xã hội, nghe nhạc, chơi game, Nokia X dễ dàng sử dụng được trong 2 ngày nên vấn đề pin không quá lớn ở sản phẩm này.

Camera có lẽ là điểm trừ lớn nhất ở Nokia X, không thể lấy nét, hình ảnh mờ và đồng thời là không có đèn flash LED. Lẽ ra Nokia nên tích hợp camera ở mặt trước và bỏ camera mặt sau (giống với Nexus 7 thế hệ 1) thì Nokia X sẽ thành công hơn. 

Ảnh chụp với Nokia X cho độ sắc nét khá kém đồng thời là độ tương phản màu thấp.

So với hệ điều hành Windows Phone, người dùng Nokia X có sự lựa chọn đa dạng hơn về ứng dụng khi có thể cài đặt qua chợ ứng dụng tích hợp, các chợ ứng dụng ngoài hoặc thông qua bộ cài.

Chợ ứng dụng mặc định trên Nokia X.

4. Kết


Với mức giá chỉ khoảng 2,5 triệu đồng, có lẽ không nên đòi hỏi quá nhiều ở Nokia X, là sản phẩm nâng cấp của dòng Asha, sử dụng hệ điều hành Android, tích hợp hàng "tá" tiện ích của Microsoft đồng thời hỗ trợ 2 khe cắm Sim... Nokia X chắc chắn sẽ thu hút được sự quan tâm lớn. Mặc dù sử dụng Android, thế nhưng Nokia X sẽ là sản phẩm hoàn hảo để người dùng trải nghiệm những tiện ích mới của Microsoft với mức giá hợp lý nhất.