AMD FX-8150 - Sức mạnh đến từ "Cỗ Máy Ủi"

Saga, Theo 09:43 19/01/2012

Cùng tìm hiểu về sức mạnh của "người trợ thủ" đắc lực này các bạn nhé!<img src='/Images/EmoticonOng/04.png'>

Nói về CPU trong PC hoặc chip x86, người ta sẽ nghĩ ngay đến hai cái tên chính: AMD và Intel. Trong một giai đoạn dài đây là hai nhà sản xuất (NSX) lớn có các sản phẩm cạnh tranh quyết liệt lẫn nhau. Mới đây, AMD, vừa chính thức cho ra mắt thế hệ CPU mới nhất của mình, có tên mã Bulldozer (dịch nôm là Máy Ủi), gồm các model có ký tự FX phía đầu, vốn nhắm đến đối tượng người dùng tầm trung và cao cấp.

"Máy Ủi" là gì?

Đấy là tên kiến trúc x86 mới nhất của AMD, ra đời để thay thế kiến trúc K10 vốn được hãng này sử dụng từ cuối 2007. So với các kiến trúc Core, Nehalem và gần đây là Sandy Bridge (còn gọi là Cầu Cát) của Intel, kiến trúc K10 dần bộc lộ nhiều yếu kém và AMD cần một kiến trúc mới để khắc phục các thua thiệt trên. Đấy chính là nhiệm vụ của "Máy Ủi".

Ý tưởng nền tảng để thiết kế "Máy Ủi" là một kiến trúc mạnh mẽ cho xử lý đa luồng (SMT, mà Intel quen gọi là Hyper Threading). Nhưng thay vì "nhồi" thật nhiều nhân xử lý (core) để xử lý được cùng lúc nhiều luồng (thread); hoặc cho thật nhiều luồng vào cùng một nhân xử lý, cách AMD thiết kế ra Bulldozer mang một chút khác biệt.
 

Orochi diagram

AMD đã kết hợp 2 nhân riêng rẽ vào làm một bộ phận gọi là module: mỗi module sẽ có 2 đơn vị tính toán số nguyên (INT) và 1 đơn vị tính toán số thực (FPU). Module sẽ là đơn vị cơ bản để làm nên con chip FX cho AMD, mỗi module cho phép xử lý cùng lúc 2 luồng khác nhau. Và đây là cách AMD làm ra "Máy Ủi". Trong lần ra mắt này, AMD giới thiệu 7 model. Trong đó có 3 model FX-8000 (4 module, 8 luồng), 1 model FX-6100 (3 module, 6 luồng) và 3 model FX-4000 (2 module, 4 luồng).

Điểm qua "gia đình FX"

Trong số 7 model FX ra mắt, FX-8150 là phiên bản mạnh nhất gồm 4 module hoạt động ở xung mặc định 3,6 GHz (khi turbo đạt 3,9 GHz và tối đa là 4,2 GHz nếu chỉ xử lý 1 luồng duy nhất). Dung lượng L2 Cache của FX-8150 là 8MB và mức TDP tối đa của con chip là 125W. Các model FX-8120 và 8100 vẫn có chung 4 module nhưng xung lần lượt sẽ thấp hơn (3,1 và 2,8 GHz) so với FX-8150. Nhưng bạn sẽ vẫn "có đủ" 8MB L2 Cache với 2 model trên.
 

AMD FX CPUs

Bớt đi 1 module, bạn sẽ có FX-6100. Về cơ bản, đây vẫn là các die chip Orochi nhưng có 1 module hoạt động không ổn định nên đã được AMD "khoá" lại. Do L2 Cache đi chung với module liền nó nên FX-6100 chỉ còn 6MB dung lượng bộ nhớ này. Tương tự với các model FX-4100, do có 2 module không tốt nên chúng bị "cắt" đi. Lượng L2 Cache vì thế còn lại 4MB.

Nhưng so với các đại diện Phenom II trước đây, các model FX có nhiều cải thiện quan trọng:
+ 8MB L3 Cache (Phenom II X6 chỉ có 6MB).
+ Hỗ trợ bộ nhớ DDR3 tối đa 1866 GT/s (Phenom II chỉ tới 1333 GT/s).
+ Socket AM3+ (vẫn dùng chung được với các model cũ).
+ Xung mặc định cao hơn, công nghệ Turbo Core 2.0 cho phép turbo hiệu quả hơn.
+ Hỗ trợ nhiều tập lệnh x86 cao cấp : AES, AVX, FMA4, XOP, CVT16 (Phenom II không có các tập lệnh này).
+ Sản xuất trên tiến trình SOI 32nm (Phenom II dựa trên SOI 45nm).

Một chi tiết quan trọng: giá bán lẻ đề nghị của FX-8150 ở thị trường Mỹ là 245 USD, các model còn lại ở mức 200 USD hoặc thấp hơn. Có nghĩa bạn có thể mua các sản phẩm mới của AMD với một chi phí khá phù hợp.

Trải nghiệm mượt mà với chi phí phù hợp

Rất nhiều người mua PC cao cấp trong hôm nay chủ yếu để phục vụ nhu cầu chính: chơi game 3D nặng với thiết lập cao mà vẫn có được cảm giác mượt mà. Và các bộ xử lý FX hoàn toàn đáp ứng được mục tiêu ấy, nhưng với chi phí không hề cao. Rất nhiều thử nghiệm từ nhiều trang công nghệ cho thấy: chi phí đầu tư vào một CPU giá thành cao thường không đem lại lợi ích nhiều bằng đầu tư vào một CPU giá thành thấp hơn nhưng kèm với card đồ hoạ mạnh hơn.

Lấy ví dụ với chip Core i7 3960X của Intel hiện có giá 1000 USD nhưng hiệu năng về game không hơn các chip có giá thành chỉ 300 USD trên thị trường. Chưa tính số tiền bỏ ra cho một mainboard X79, chi phí cho một hệ thống dùng socket LGA 2011 hoàn toàn không rẻ. Ngược lại một chip FX-8150 cùng mainboard 990FX (hoặc 890FX với bản BIOS hỗ trợ kiến trúc Bulldozer) sẽ tiết kiệm cho người dùng tới 700 USD hoặc hơn. Bạn có thể đầu tư vào một chiếc card 2 nhân (như HD 6990 hoặc GTX 590) và gần như không "ngán" bất kỳ tựa game 3D nào hiện có. Hoặc thực tế hơn là một chiếc card ~ 300 USD và 400 USD để sắm một màn hình tốt hơn. Bạn thực sự sẽ có trải nghiệm game thú vị hơn trên một màn hình rộng hơn, chứ không "phảng phất, mơ hồ" khi dùng một CPU có giá cả ngàn USD.
 


Cùng với card đồ hoạ Radeon, mainboard chipset 990FX, CPU FX chính là nền tảng cho hệ thống PC mạnh mẽ có tên gọi Scorpius (Bọ Cạp) mà AMD cung cấp đến cho người tiêu dùng vào 2012. Dự kiến trong tương lai sắp tới, hãng này sẽ tiếp tục cải thiện kiến trúc Bulldozer hiện có để ra đời tiếp các nhân xử lý Piledriver, Steamroller và Excavator với kỳ vọng hiệu năng tăng 15% sau mỗi thế hệ. Và "Máy Ủi" sẽ là đại diện đầu tiên mà AMD đưa ra để "cán" những bước đầu tiên này.