9 người phụ nữ đã thay đổi cách chúng ta sử dụng Internet

, Theo Mask Online 10:35 13/09/2014

Thêm những minh chứng "hùng hồn" cho thấy lĩnh vực công nghệ thông tin không chỉ là lĩnh vực của phái mạnh.

Sau khi một số công ty công nghệ lớn như Google, Facebook hay Twitter công bố thông tin dữ liệu về tình hình nhân sự của mình gần đây, một vấn đề lớn ở Thung lũng Silicon đã được nêu ra đó là trong các công ty này tỷ lệ nhân viên là nữ giới quá thấp. Dẫu vậy, thực tế này không đồng nghĩa với việc các "bóng hồng công nghệ" không để lại nhiều dấu ấn đáng nhớ trong lịch sử.

1. Radia Perlman


Danh sách này sẽ là một thiếu sót nếu chúng ta không nhắc đến Radia Perlman, người được mệnh danh là "Mẹ đẻ của Internet". Perlman được biết đến nhiều nhất khi là người tạo ra giao thức STP (Spanning-tree protocol). Hiểu một cách đơn giản, thông qua giao thức STP, hai máy tính sẽ kết nối được với nhau và có thể trao đổi thông tin. Là một kỹ sư mạng và nhà phát triển phần mềm, Perman cũng đồng thời là người khai sinh ra công nghệ TRILL (Transparent Interconnection of Lots of Links) để khắc phục những nhược điểm mà STP còn tồn đọng.

2. Elizabeth Feinler


Trang công nghệ Wired mô tả Elizabeth Feinler là nhân tố "đi trước Google và GoDaddy" khi bà được xem như một người tiên phong trong lĩnh vực Internet. Feinler giữ chức Giám đốc Trung tâm Thông tin Mạng (NIC) và Viện Nghiên cứu Standford (SRI) từ năm 1972 tới năm 1989. Bà đồng thời là một trong những người quản lý ARPANET, tiền thân của Internet ngày nay.

Khi còn làm việc tại NIC, một trong những nhiệm vụ được Feinler đảm nhận đó là giám sát việc tạo và đăng ký các địa chỉ Internet (URL). Được biết, ban đầu những công việc như thế được Feinler và các cộng sự thực hiện một cách thủ công. Tuy nhiên, qua quá trình phát triển, NIC đã tạo ra hệ thống Domain Name System (DNS) để công việc thuận tiện hơn. DNS cũng là công nghệ giúp chuyển đổi tên miền thành địa chỉ IP.

3. Caterina Fake


Cùng chồng của mình là Stewart Butterfield, Caterina Fake đã tạo ra công cụ chia sẻ hình ảnh Flickr năm 2004. Để thấy được vai trò của dịch vụ này, bạn nên biết rằng trước đó chia sẻ ảnh đồng nghĩa với việc gửi ảnh qua email. Mọi việc còn rắc rối hơn nữa khi vào thời điểm bấy giờ một email không cho phép đính kèm nhiều hình ảnh.

Flickr cũng khai sinh ra rất nhiều tính năng mới của thời đại Web 2.0 như mạng xã hội, tính năng tag, thuật toán tự động chọn các nội dung phổ biến... Thêm một thông tin thú vị có thể bạn chưa biết về Flickr đó là ban đầu đây là một website chơi games, tuy nhiên do thiếu vốn đầu tư, Fake và chồng đã phải chuyển hướng dịch vụ. Flickr hiện thuộc chủ quản của Yahoo! khi bị công ty này thâu tóm năm 2005.

4. Mitchell Baker


Đang giữ chức Chủ tịch điều hành của Mozilla Foundation và Mozilla Corporation, Mitchell Baker chính là người dẫn dắt đội dự án Mozilla với thành tích khai sinh ra trình duyệt web mã nguồn mở Mozilla Firefox. Theo đó, những nỗ lực của Baker cả trong vấn đề kỹ thuật và pháp lý đã mở đường cho kỉ nguyên phần mềm mã nguồn mở. Bà là nguồn cảm hứng cho những dự án mở như GitHub, HTML5 hay thậm chí là cả Android.

5. Rashmi Sinha


Năm 2006, Rashmi Sinha cùng chồng bà là Jon Boutelle đã sáng lập ra SlideShare, dịch vụ được đánh giá là công cụ đầu tiên khiến việc chia sẻ các slide PowerPoint trên Internet trở nên dễ dàng chưa từng thấy. Năm 2012, LinkedIn đã thâu tóm dịch vụ này với giá hơn 100 triệu USD.

Trước khi tạo ra SlideShare, Sinha từng đảm nhiệm thực hiện những việc như tối ưu hóa công cụ tìm kiếm, thiết kế thuật toán gợi ý nội dung... ở trường Đại học California. Bà cũng từng giữ chức cố vấn viên về giao diện người dùng tại Uzanto với khách hàng là những công ty lớn như AAA, eBay và BlueShield.

6. Leah Culver


Có thể bạn chưa từng nghe đến mạng xã hội Pownce bởi nó đã ngừng phát triển từ năm 2008. Mạng xã hội này theo đó từng được đánh giá là một đối thủ lớn của Twitter. Lý giải cho việc Pownce thất bại dù có nhiều tiềm năng là do mạng xã hội này đã bị công ty Six Apart thâu tóm với lý do chính là để nắm trong tay "chất xám" đằng sau Pownce hơn là thúc đẩy mạng xã hội này phát triển. Nhiều người cho rằng Pownce chính là một trong những lý do khiến các mạng xã hội như Facebook hay Twitter dần xây dựng và bổ sung thêm các tính năng đính kèm link, tệp tin, ảnh hay video.

Leah Culver là nhà phát triển chính của dự án Pownce. Thú vị ở chỗ Leah là một sinh viên ngành mỹ thuật nhưng sau đó chuyển sang học lập trình máy tính tại Đại học Minnesota. Pownce là thành quả của cô cùng Kevin Rose và Daniel Burka sau khi tốt nghiệp vào năm 2006.

7. Marissa Mayer


Hiện nay, Marissa Mayer đang giữ chức CEO của Yahoo! tuy nhiên, trước đó cô được biết đến là một trong những nhân viên đầu tiên gia nhập Google đồng thời cũng là kỹ sư nữ đầu tiên làm việc tại đó. Những cống hiến của Mayer trong khoảng thời gian cô ở Google đã mang lại rất nhiều sản phẩm tuyệt vời như Google Search, Google News, Google Images và Google Chrome.

Trang New York Times chia sẻ bí quyết thành công của Mayer là luôn tỉ mẩn đến từng chi tiết đồng thời đặt người dùng lên hàng đầu. Marissa Mayer nhanh chóng được đề cử lên chức vụ Phó Chủ tịch mảng sản phẩm tìm kiếm và trải nghiệm người dùng của Google. Hai năm cuối cùng làm việc cho ông lớn làng Internet, cô là Phó Chủ tịch mảng địa phương, bản đồ và các dịch vụ địa điểm.

8. Mena Trott


Mena Trott là người đồng sáng lập công ty Six Apart với chuyên môn chính là phát triển các phần mềm hỗ trợ viết blog. Movable Type chính là một sản phẩm của công ty nói trên. Phần mềm blogging Movable Type có tính năng tương tự và được coi là "người đi trước" của nền tảng nổi tiếng WordPress. Trước khi có những phần mềm của Six Apart, một việc đơn giản như viết blog cũng có liên quan rất nhiều đến lập trình.

9. Susan Wojcicki


Susan Wojcicki là một nhân sự khác của Google với nhiệm vụ chính là giám sát việc cung cấp quảng cáo trên Google Search. Dẫu vậy, vào tháng 2 năm nay, bà đã được bổ nhiệm chức vụ CEO YouTube. Wojcicki bắt đầu sự nghiệp của mình là một giám đốc marketing. Bà thậm chí đóng một vai trò rất lớn trong sự thành công và phát triển của Google bởi nói vui, nếu Wojcicki không cho Sergey Brin và Larry Page thuê gara nhà cô vào năm 1998, có thể chúng ta sẽ... không có Google.

Khi còn là Phó Chủ tịch mảng Quảng cáo và Thương mại của Google, AdWords và AdSense là hai dịch vụ Wojcicki tạo ra. Bà cũng là nhân sự chính đảm nhiệm thương vụ thâu tóm YouTube cho Google.

(Tham khảo: Hongkiat)