4 sản phẩm công nghệ thừa cầu nhưng... thiếu cung

, Theo Trí Thức Trẻ 14:00 24/04/2014

Ngành công nghệ có sức mua ấn tượng cùng tốc độ phát triển nhanh với nhiều sản phẩm sản xuất không kịp để bán.

Hiện tượng khan hàng không phải một điều hiếm gặp của ngành công nghệ, tuy nhiên,  4 sản phẩm được liệt kê trong khuôn khổ bài viết dưới đây là 4 cái tên phải đối mặt với hiện tượng cầu vượt cung ấn tượng nhất trong khoảng thời gian vài năm trở lại đây.

1. Amazon Fire TV


Một trong những ví dụ tiêu biểu cho tình trạng “cháy hàng” trong thị trường các thiết bị công nghệ cao là sản phẩm set-top box (thiết bị giải mã tín hiệu truyền hình) Amazon Fire TV. Với mức giá chỉ 99 USD, Amazon Fire TV được xem là đối thủ trực diện của những thiết bị cùng phân khúc có tiếng như Apple TV, Roku hay Chromecast của Google.

Amazon Fire TV lên kệ thị trường Mỹ vào ngày 2 tháng 4 vừa qua và chỉ một tuần sau đó hiện tượng khan hàng đã xuất hiện. Nói về điều này, người phát ngôn của Amazon cho hay: “Chúng tôi cảm thấy... rùng mình với sự phản hồi của khách hàng về Fire TV. Amazon đang tích cực sản xuất nhanh hết mức có thể để bổ sung cho nguồn cung”.

2.  Amazon Kindle


Tờ USA Today, số tháng 3 năm 2008, từng đăng tải thông tin cho hay người dùng đặt mua thiết bị Kindle trên website của Amazon được thông báo sản phẩm “tạm thời hết hàng” do nhu cầu của thị trường quá lớn. Thậm chí, Amazon còn không ước lượng được khoảng thời gian mà một khách hàng sẽ phải đợi cho đến khi nguồn cung được bổ sung.

Ian Freed, phó chủ tịch mảng thiết bị điện tử của Amazon, lúc bấy giờ đã thừa nhận hãng đánh giá quá thấp nhu cầu của thị trường. Cũng theo tờ USA Today, trung bình một khách hàng thậm chí sẽ phải đợi tới hơn một tháng sau khi đặt hàng để có được một thiết bị Amazon Kindle.

3. Nintendo Wii


Tháng 9 năm 2006, Nintendo dự tính số lượng thiết bị chơi game Wii bán ra một thời gian ngắn sau khi ra mắt sẽ lên tới 1 triệu máy. Tuy nhiên, một nhân viên cấp cao của hãng cho rằng con số này quá viển vông và đề nghị số máy sản xuất ra cần giảm bớt để tránh rủi ro. Tháng  11 cùng năm, chỉ 8 ngày sau khi lên kệ, 600.000 máy Nintendo Wii đã được bán ra chỉ tính riêng tại thị trường Mỹ và từ đây nguồn cung tới các đơn vị bán lẻ bắt đầu chảy vào với tốc độ nhỏ giọt. Tình trạng này kéo dài tới 2 năm và làm không ít người dùng cảm thấy vô cùng bức xúc.

Một số người cho rằng Nintendo đã  đạt được mục tiêu của mình (6 triệu thiết bị bán ra) vào tháng 3 và họ không còn chịu nhiều áp lực đè nặng về mặt doanh số nữa. Việc Nintendo Wii “cháy hàng” là do hãng này chủ động gây ra để tạo sự chú ý từ giới truyền thông.

Cơn sốt Wii bốc hơi năm 2009 cùng xu hướng ảm đạm của nền kinh tế thế giới.

4. iPhone 5S


Mỗi lần Apple rục rịch ra mắt một mẫu smartphone mới là một lần giới yêu công nghệ sục sôi chờ đón và iPhone 5S, ra mắt vào tháng 9 năm 2013, không phải một ngoại lệ. Theo đó, chỉ trong vòng vài phút sau khi sản phẩm này lên kệ, thời gian hẹn chuyển máy đến tay người mua đã được lùi lại từ 7 đến 10 ngày. Thậm chí, người dùng có nhu cầu muốn mua iPhone 5S bản vàng champagne còn phải đợi xấp xỉ một tháng mới mua được máy.

Không hiểu hiện tượng khan hàng này đến từ sức hút của màu máy hơn hay chỉ đơn giản là Apple đang thận trọng với màu máy này bằng cách sản xuất một lượng máy khiêm tốn để thăm dò phản ứng của thị trường trước.