12 chiếc máy tính "thiếu muối" nhất mọi thời đại

Lê Vũ Lâm, Theo 14:26 22/08/2011

Trong lịch sử 30 năm của mình, làng máy tính không thiếu những cái tên đáng hổ thẹn.

Chúng mình vẫn thường biết đến những cái tên huyền thoại như IBM PC, Apple Macintosh hay Commodore 64. Nhưng trong lịch sử 30 năm hình thành và phát triển, làng PC cũng không thiếu những hệ thống kém cỏi và bị khách hàng ghẻ lạnh đấy!
 
1. Canon Cat (1987): Đúng như tên gọi, máy tính chỉ bao gồm màn hình và bàn phím, còn chuột chắc đã bị "chú mèo" xơi tái. Bởi vậy, giao diện dựa chủ yếu trên văn bản và hạn chế các biểu tượng vì nhà sản xuất muốn tập trung toàn bộ cho công việc văn phòng.

 
Đáng tiếc, Canon Cat đã phải dừng phát hành sau 6 tháng lên kệ. Mà bạn biết không, model được thiết kế bởi Jeff Raskin, người góp công rất lớn trong việc phát triển Macintosh. Chắc hẳn Raskin sẽ chỉ điền tên "trái táo khuyết" vào sơ yếu lý lịch của mình thôi nhỉ?
 
2. Nokia Booklet 3G (2009): Nokia chen chân vào thị trường netbook vào năm 2009 cùng tham vọng rất lớn. Theo đó, khả năng kết nối tốt và thời lượng sử dụng pin kéo dài 12 tiếng là những điểm nhấn nổi bật nhất của Booklet 3G.


 Tuy nhiên, mức giá cao lên tới 845 USD (khoảng 17 triệu đồng), ngang ngửa với những laptop hàng đầu khiến Booklet 3G không được người dùng chào đón nhiệt tình.
 
3. IBM Aptiva (1994): Sản phẩm thất bại của ông trùm IBM mang tên Aptiva. Bất chấp hàng loạt điểm mạnh trong thiết kế như chuẩn modem tiên tiến, Aptiva vẫn nhanh chóng bị lãng quên vì những vấn đề hiệu suất.

 
Bên cạnh đó, trình xử lý bảng tính Lotus (của IBM) cạnh tranh gay gắt với Microsoft Office cũng khiến Aptiva ban đầu không được cấp phép sử dụng Windows 95. Điều này đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới sự hấp dẫn của hệ thống.
 
4. NeXT Computer (1988): Sau khi rời khỏi Apple, Steve Jobs thành lập NeXT và đây là chiếc máy tính chào đời đầu tiên. Model được chứa trong 1 chiếc hộp màu đen trị giá 6.500 USD - một con số khó tin.

 
Về phần cứng, NeXT Computer tích hợp chíp xử lý Motorola 68030 25MHz và ổ đĩa 256MB thời thượng. Tuy nhiên, quá ít phần mềm tương thích với thiết bị này, cộng thêm mức giá "trên trời" đã biến NeXT Computer trở thành 1 thất bại đáng tiếc.
 
5. Apple Lisa (1983): Thêm 1 hệ thống ế chỏng chơ khác của Steve Jobs. Apple Lisa vốn được đặt theo tên con gái đầu của ông. Lần này, câu chuyện vẫn bởi mức giá quá cao (lên tới 10.000 USD) nên dù cấu hình "khủng" với chíp xử lý 5MHz, ổ đĩa mềm, ổ cứng... song vẫn ít người mua.


 
NASA trở thành khách hàng lớn nhất của Lisa. Nhưng sau khi cơ quan này gặp vấn đề vào năm 1986, Apple đã phải dừng sản xuất dòng máy của mình.
 
6. Commodore 128 (1985): Cho dù tẩu tán hết 4 triệu sản phẩm nhưng Commodore vẫn thất bại khi so sánh với người tiền nhiệm Commodore 64 (12 triệu máy). Nguyên nhân bởi model quá nghèo nàn về phần mềm và ngay trong mảng chơi game, hệ thống còn chẳng vượt qua nổi cái bóng của Commodore 64.


 
Vậy nên chẳng mấy ngạc nhiên khi dây chuyền sản xuất Commodore 128 phải đóng cửa chỉ một vài năm sau đó.
 
7. Coleco Adam (1983): Đang thành công trên thị trường máy chơi game cầm tay nên Coleco rất tự tin tham gia làng máy tính. Dòng sản phẩm Adam được xuất xưởng năm 1983.


 
Tuy nhiên, ngay từ thuở ban đầu, những trục trặc phần cứng đã làm xấu đi hình ảnh của Adam. Thêm vào đó, việc chia sẻ nguồn điện cùng máy in (khá ổn trên lý thuyết) gây nên phản ứng tiêu cực. Nếu không có máy in hoặc máy in bị hỏng sẽ khiến máy tính không thể hoạt động. Nghe đâu, chỉ khoảng 100.000 chiếc Adam được bán và trực tiếp làm Coleco phá sản sau đó ít lâu.
 
8. Gateway Destination (1996): Được coi như máy tính đa phương tiện đầu tiên trên thế giới với card đồ họa, chơi game và xem TV-show trên màn hình hoành tráng. Éo le thay, Destination lại đi trước thời đại quá xa và mức giá 4.000 USD khiến công chúng rất khó tiếp nhận sản phẩm.


 
Kết quả, model đã lọt vào danh sách những dàn máy tính thất bại này đây.
 
9. 3com Audrey (2000): Sự phát triển của Internet khiến một số doanh nghiệp nghĩ rằng chỉ cần hỗ trợ trực tuyến cũng đủ rồi, bất chấp cấu hình thấp ra sao. Dĩ nhiên, họ đã nhầm và Audrey giống như minh chứng rõ nét nhất.


 
Sở hữu trình duyệt Circa 2000, bàn phím không dây, màn hình cảm ứng hỗ trợ bút điều khiển và giá bán rẻ bất ngờ 499 USD. Dẫu vậy, cấu hình thấp chính là điểm yếu chết người và máy tính đành "chết yểu" sau 8 tháng ra mắt.
 
10. Samsung Q1 (2006): Từ lâu, Microsoft mạnh dạn giới thiệu "PC siêu di động" nhằm chen chân vào khoảng trống giữa smartphone và máy tính. Được biết, Samsung Q1 cài đặt nền tảng XP cải tiến, màn hình 7 inch, bàn phím ảo và mức giá phải chăng (1.099 USD)... cũng không thể đem lại thành công.


 
Sau đấy, một số cải tiến như khe cắm thẻ SD, tăng cường bộ nhớ RAM và bàn phím thực… cũng chỉ giúp Samsung Q1 bớt xấu hổ hơn mà thôi.
 
11. Apple Power Mac G4 Cube (2000): Ánh hào quang iMac và Power Mac thúc đẩy Apple tiếp tục lên sóng G4 Cube vào năm 2000. Tuy vậy, thiết kế "chiếc hộp" từ thời NeXT Computer vẫn như một nỗi ám ảnh đáng quên khi chỉ có 150.000 thiết bị đến tay người dùng.


 
G4 Cube mang đến cảm giác dễ vỡ và hàng loạt chuẩn kiến trúc máy tính không được hỗ trợ. Chắc hẳn thành công duy nhất của G4 Cube là từng được trưng bày tại Bảo tàng nghệ thuật đương đại New York.
 
12. IBM PC Junior (1984): Dựa trên thành công của những huyền thoại, PCjr (PC Junior) hứa hẹn trở thành cú "hit" lớn trên thị trường máy tính. Vậy nhưng mọi dự đoán đều sai bét.


 
Trước hết, bàn phím không đúng kích thước chuẩn đã gây khó khăn lớn cho người dùng. Thêm nữa, những khe cắm mở rộng gặp vấn đề tương thích, bàn phím chết cứng khi truy cập ổ đĩa mềm... đã biến PCjr thành 1 thảm họa toàn diện và phải dừng sản xuất sau 2 năm.