Ngày xưa, 16 tuổi trong mắt mọi người, “hư” có nghĩa là đi về muộn sau giờ giới nghiêm, là điểm kém, là quan tâm đến những chuyện khác ngoài việc học, là ăn mặc điệu hơn các bạn một chút. Còn với thế hệ 16 tuổi ở thời điểm hiện tại, khái niệm “ngoan - hư" đã trở nên rất khác. Thậm chí, 16 tuổi bây giờ, họ đã liều lĩnh tiên phong, làm những chuyện to lớn mà chúng ta đôi khi chưa từng nghĩ tới.

Năm 2006, tôi 16 tuổi, là một đứa trẻ đang đứng trước ngưỡng cửa để trở thành một thanh niên. Tôi xin mẹ tiền ăn sáng hàng ngày, thường là 10 nghìn và thêm 20 nghìn nếu ở lại trường ăn trưa. Tôi không đi chơi tối nhiều và nếu có, giờ giới nghiêm là 9h30. Học không quá giỏi với điểm số nhàng nhàng, cuộc sống của tôi – dù là một đứa cũng rơi vào hạng “không bị đụt” ở lớp, cũng không có gì nổi bật. Danh sách học sinh ưu tú trong trường thường quanh đi quẩn lại vài cái tên có thành tích Giỏi. Năm ấy, tôi biết rằng, để thành công trong cuộc sống này, mình nhất quyết phải ngoan và học giỏi.

Năm 2016, tôi không còn dám gọi một cô bé hay cậu bé 16 tuổi là đứa trẻ. Rất có thể, tôi sẽ bị hớ. Lứa thanh niên bây giờ không còn là một thế hệ lười biếng, ăn chơi và chỉ biết tiêu tiền của bố mẹ như chúng ta vẫn thường nghĩ. 16 tuổi, một cô bạn có thể điều hành của một tổ chức với các nghiên cứu vì môi trường. 16 tuổi, một nhóm bạn có thể cùng nhau tổ chức một chương trình “oách xà lách”, với quy mô và kịch bản phức tạp không kém gì… những nhà tổ chức chuyên nghiệp.

Chỉ trong vòng vỏn vẹn 10 năm, giới trẻ đã có một sự thay đổi chóng mặt về cách sống, cách nghĩ và cả những quan điểm với các vấn đề xã hội. Những tiêu chuẩn cũ kỹ xê dịch, nhường chỗ cho sự phóng khoáng và đa dạng học hỏi từ thế giới. Sẽ không phải là nói quá, khi tự tin mà cho rằng: Những thiếu niên sẽ tròn 16 - 18 tuổi trong năm nay, chính là một trong những nhân tố mạnh mẽ nhất đang vẽ lại hình hài, chân dung của giới trẻ Việt Nam thời hiện đại.

Và bài viết này, được dùng để bạn - một lần nữa - hình dung lại bức chân dung đang dần thay da đổi thịt ấy.

Nếu được chọn một từ để nói về thế hệ mới này, tôi sẽ giơ hai tay lên trời và nói: Không thể.

Có quá nhiều thứ bật ra trong đầu cùng một lúc, quá nhiều ưu điểm, quá nhiều những tính cách đặc trưng, quá nhiều những gạch đầu dòng nổi bật. Chỉ 1 từ - Không thể bao quát hết được những điều tuyệt vời mà giới trẻ hiện đại đang thực hiện mỗi ngày. “Toàn diện” có lẽ một từ tạm dùng được. Thay vì chỉ tập trung học giỏi các môn văn hoá ở trường, các bạn trẻ hiện đại có một bề dày thành tích đáng nể với các hoạt động xã hội, nghiên cứu chuyên sâu và cả những dự án riêng mới nghe thôi bạn đã phải gật gù.

Khuất Minh Thu Giang

Sáng lập/ Tổng thư ký Mô phỏng Liên Hợp Quốc Việt Nam 2015/2016

Tôi có thể ví dụ như VNMUN - Việt Nam - Hà Nội Mô phỏng LHQ, là một trong những hoạt động khá nổi vào nửa cuối năm ngoái của giới trẻ Hà Nội. Mô hình MUN là mô hình thu nhỏ các cuộc họp diễn ra tại trụ sở LHQ, với người tham gia là các bạn trẻ ở độ tuổi từ 15-25. Ở Việt Nam, mô hình này đã từng được tổ chức tại các trường quốc tế. Tuy nhiên, với VNMUN, cơ hội được dành cho tất cả các sinh viên, học sinh ở khắp cả nước. Tại VNMUN, các bạn trẻ sẽ đại diện cho từng quốc gia khác nhau, sẽ cùng thảo luận và tranh biện hoàn toàn bằng tiếng Anh, về một nội dung, một mối quan tâm chung, một vấn đề trong xã hội. Điều tuyệt vời ở mô hình này, đó không chỉ nằm ở sự mới lạ, hấp dẫn, mà nó còn thực sự rèn giũa khả năng đàm phán, các kỹ năng ngoại giao, trao đổi và thôi thúc các bạn trẻ tìm hiểu sâu hơn về các vấn đề thời sự - xã hội. Nhưng bạn biết điều gì bất ngờ nhất không, Tổng thư ký và cũng là trưởng ban tổ chức của VNMUN là một cô gái mới 17 tuổi có tên Thu Giang. Và bản thân Thu Giang cũng sở hữu một bảng thành tích đáng nể, khi là một trong những thực tập sinh trẻ nhất của một trong những công ty kiểm toán hàng đầu: Ernst & Young.

Lâm Thảo Tâm

Đại diện Việt Nam tham gia Diễn đàn lãnh đạo trẻ thế giới tại Rio, Brazil năm 2016.

Hay hẳn bạn vẫn còn nhớ, cách đây vài tháng, cô bé Nguyễn Lâm Thảo Tâm trở thành cái tên nổi bật, khi mới chỉ 16 tuổi - nhưng đã trở thành Quán quân cuộc thi Hùng biện tiếng Anh Toàn quốc , và trở thành đại diện duy nhất của Việt Nam tham dự Diễn đàn lãnh đạo trẻ thế giới tại Rio, Brazil. Sở hữu bảng thành tích đáng nể, nhưng ngoài đời, Thảo Tâm vẫn là một cô bé lớp 10 lí lắc, vui tươi và thích buộc tóc hai bên.

Có rất nhiều những bạn trẻ như vậy, những người đã và đang sống từng ngày để theo đuổi ước mơ và con đường mình đã lựa chọn. Họ thật sự hiểu được mình cần làm gì để đi đúng hướng, nhận được sự ủng hộ từ gia đình, quan trọng hơn, họ sở hữu sự can đảm và sáng tạo, sẵn sàng dấn thân và không ngại ngần đương đầu khi thử thách tìm đến.

“Toàn diện” là một từ ổn để nói về khả năng của lớp trẻ hiện đại, như tôi đã nói ở trên - nhưng nó không đủ để nói về tính cách của họ. Dĩ nhiên là giới trẻ luôn ẩn chứa những màu sắc cá tính riêng bùng nổ và có thể khiến bạn ngạc nhiên - dù ở thời nào cũng thế. Nhưng với giới trẻ hiện đại, cách họ thể hiện cá tính lại mang nhiều sự đa dạng và phóng khoáng hơn thế hệ trước rất nhiều.

Tôi từng nhớ, ngày xưa, cá tính được đánh đồng với sự nổi loạn. Một cô nàng mặc quần tụt, nhuộm tóc ngay lập tức sẽ được các bạn trong lớp nhìn với ánh mắt e dè như thể nhìn một… đàn chị, hoặc giả sẽ là sự bất bình vì ăn mặc không đúng quy định. Và đó là một sự oan uổng lớn, bởi tôi vẫn còn nhớ cô bạn lớp bên có mái tóc hoe hoe nhuộm, ăn mặc điệu hơn bạn cùng lứa một chút, luôn bị tẩy chay vì bị coi là… ăn chơi - lại là một học sinh giỏi Văn và thật sự có những bài Văn khiến người lớn phải nhíu mày.

Quay lại thời điểm hiện tại, tôi không ngạc nhiên nếu các bạn trẻ được tạo nhiều điều kiện hơn để thể hiện cá tính của mình, cũng như cái nhìn của người lớn trở nên bao dung và thoải mái hơn. Chẳng ai nhìn một cô bé lớp 12 với ánh mắt khó chịu khi mặc một chiếc crop top và short cạp cao, đi giày sneaker. Rất có thể, cô bé ấy đang tham gia làm cộng tác viên cho một sự kiện EDM Festival.

Mấu chốt của cái nhìn thoáng hơn này, chính là việc mang đến cho giới trẻ một môi trường dễ dàng hơn trong việc phát triển sự sáng tạo và theo đuổi những cơ hội hoạt động xã hội. Lùi mốc thời gian về cách đấy hơn 10 năm, tôi vẫn còn nhớ cảm giác sợ hãi mỗi khi trốn bố mẹ ngồi trong hàng net. Internet mở ra một thế giới quá rộng lớn với một đứa trẻ như tôi ở thời điểm ấy. Nhưng nó tồn tại quá nhiều mối nguy hại mà các bậc phụ huynh chỉ được biết qua báo chí. Và hiển nhiên, tôi có thể tưởng tượng được gương mặt sợ hãi, tá hoả của mẹ khi nhìn thấy tôi trong hàng net. May mắn là, tôi chưa bao giờ bị bắt quả tang.

Với sự bao bọc, canh gác của mẹ (điều mà đến bây giờ tôi vẫn không hề trách cứ), tôi vẫn là một học sinh thuộc danh sách bất trị của lớp. Luôn bị tính là hư, không quan tâm đến học hành, điểm số lẹt đẹt và rõ ràng là trong mắt các thầy cô giáo, tôi không có tương lai (Điều này phản ánh rõ trong ánh nhìn thảng thốt của cô hiệu phó khi nghe tôi thỏ thẻ: Em muốn thi chuyên Văn trường Chu).

Nhưng chỉ trong vài năm trở lại đây, tôi không dám chắc những gạch đầu dòng bị tính là hư hỏng ngày xưa còn “hiệu lực”. Tôi biết các cô cậu học lớp 11, 12 vẫn được bố mẹ tin tưởng cho đi chơi về muộn. Sử dụng Internet không còn phải ra ngoài hàng, cũng không còn bị đánh đồng với những tệ nạn. Và đã có không biết bao nhiêu cô cậu học trò ở lứa tuổi 16-18, biết cách xây dựng hình ảnh trên mạng xã hội và kiếm tiền nhiều hơn ba tháng lương của tôi cộng lại.

Đó chỉ là một vài trong số rất nhiều sự thay đổi mà 10 năm đã tạo ra giữa 2 thế hệ. Những gì thuộc về phạm trù “ngoan - hư” của ngày xưa đã không còn áp đặt được trong thời điểm hiện tại. Tất nhiên chẳng có bố mẹ nào vui khi thấy con mình về muộn, nhưng chắc chắn, không bố mẹ nào không vui khi biết rằng, những giờ phút ở ngoài đường vào buổi tối ấy, con mình đang tham gia một nhóm hoạt động xã hội, có thể là đang phát chăn cho những cụ già vô gia cư trên phố. Cũng chẳng có bố mẹ nào có thể tự tin nói rằng: Tôi không thấy lo khi con mình có bạn trai/ bạn gái. Nhưng thay vì cấm đoán một cách oan uổng và dành cho cặp đôi gà bông một đôi mắt hoài nghi, họ thoải mái và tin tưởng, tạo điều kiện cho cả hai có một mối quan hệ lãng mạn “trong tầm kiểm soát”.

Tôi có hơn 20 năm đồng hành và trải nghiệm cùng giới trẻ. Tôi tạm chia thành 4 nhóm theo thời gian. Nhóm Mơ Mộng- những người làm cùng tôi khi tôi mới 18-22 tuổi. Họ là những người trẻ sinh khoảng thập niên 70. Nhóm Cái Tôi Dẫn Đầu- những người trẻ sinh thập niên 80 mà tôi là người đầu tiên đặt cho họ là thế hệ 8X. Nhóm thế hệ sau thế hệ 8X tôi gọi họ là Nghệ Sỹ, họ sinh thập niên 90. Và nhóm trẻ hiện nay, tôi gọi họ là Y2- những người sinh năm 2000 trở lại đây. Với nhóm Mơ Mộng- những người trẻ cùng tôi ngày ấy đều là những người trẻ giàu mơ mộng nhưng thiếu thực tế. Quen phân tích mà chẳng đưa ra nhiều giải pháp. Kiến thức vốn bị đóng hộp trong sách vở chứ ít trải nghiệm. Những đứa trẻ 20 tuổi ngày ấy vẫn bị lệ thuộc vào gia đình, bị cha mẹ áp đặt, dẫn dắt và định hướng.

Với nhóm Cái Tôi Dẫn Đầu là những người trẻ thế hệ 8X. Cùng với Internet, họ bước ra thế giới, ham muốn chinh phục thế giới. Họ dám bước ra khỏi cái vòng tròn mà cha mẹ đã vạch ra cho họ. Tôi nghĩ, thế hệ trẻ người Việt này mới là những người đặt viên gạch đầu tiên.

Nhóm thế hệ sau 8X- nhóm Nghệ Sỹ hoá bản thân lại khác hẳn. Tôi thấy những người trẻ thế hệ này mang tính cá nhân hoá bản thân nhiều hơn thế hệ 8X. Nếu như thế hệ trước đó nhiều thứ còn là “đồng phục" “đồng đội" thì thế hệ sau này cá nhân mạnh mẽ hơn. Khác biệt hay là chết chính là tuyên ngôn của thế hệ này. 20 tuổi, nhiều người trẻ thế hệ này nổi bật hơn.

Và nhóm những người trẻ, tôi tạm đặt là thế hệ Y2 hiện nay, chưa có nhiều dữ kiện để phân tích họ nhưng tôi có cảm giác họ biết phân tích hơn, nghĩ về giải pháp nhiều hơn, không bị a dua, a tòng như thế hệ 8X, nhưng cũng không cá biệt hoá quá mức như thế hệ Nghệ Sỹ. Tôi cho rằng họ phát triển nhanh hơn, đi qua những “hỏng hóc" nhanh hơn.

Thứ chung nhất của tuổi 18- 20 dù anh ta sinh ra thập niên 70, 80, 90 hay 2000 luôn là LỬA. Người trẻ nào cũng ắp đầy lửa trong tim. Lửa ấy sưởi ấm xung quanh như thế hệ Mơ Mộng hay lửa ấy tự đốt mình để thắp sáng xung quanh mình như thế hệ 8X, hoặc thế hệ 9X- thế hệ Nghệ Sỹ- biến hoá ngọn lửa trong mình, tự làm mình toả sáng. Hay những người trẻ Y2 đang và sẽ dùng lửa đa dạng hơn. Tôi nghĩ, chắc chắn rằng thế hệ sau luôn tốt hơn thế hệ trước, ít nhất là ở việc họ sẽ không bị vấp vào những lỗi hồn nhiên của thế hệ trước. Văn minh hơn, nhiều kiến thức hơn, nhiều năng lượng hơn nhưng cũng “khô khan" và “thực tế" hơn thế hệ trước.

Một trong những nguyên nhân tạo ra sự thay đổi mang tính bước ngoặt trong tính cách và quan điểm của giới trẻ hiện tại, đến từ sự phát triển chóng mặt của mạng xã hội.

Hãy nhớ lại thời điểm các bạn còn ngồi trên ghế trung học, nhớ xem mình sử dụng bao nhiêu cách để kết nối với bạn bè xung quanh? Điện thoại bàn, email, Yahoo Messenger và Yahoo 360? Tất cả chỉ nhằm phục vụ trao đổi, kết bạn, và như Yahoo 360 - là cách duy nhất để thể hiện bản thân, thể hiện cá tính và những hình ảnh của mình.

Nhưng ở thời điểm hiện tại, sẽ rất khó để nói hết những mạng xã hội hay cách thức mà giới trẻ sử dụng để trao đổi với nhau, cũng như thể hiện cá tính trên Internet. Facebook - dĩ nhiên, một thứ phải có để update liên tục với bạn bè. Yahoo Messenger đã bị thay thế bằng Facebook Messenger. Nhưng chưa hết, Instagram là lãnh địa của những kẻ “sống ảo”, nơi bạn show off một cuộc sống nhẹ nhàng, vui thú với những bữa ăn ngon lành và những chuyến du lịch đầy màu sắc. Snapchat lại là nơi để những bạn trẻ nhắng nhít hơn một chút update liên tục những khoảnh khắc nhỏ trong đời sống thường ngày. Pinterest là cái kho lớn nhất cho những ai đang đi tìm kiếm nguồn cảm hứng. Và Youtube - nơi để bạn thoải mái nói về những quan điểm của mình, thể hiện khả năng hát hò, nhảy nhót, nấu nướng và tất tật những gì diễn ra trong cuộc sống của bạn - qua video.

Sự bùng nổ các mạng xã hội mang đến cho giới trẻ cơ hội được tiếp xúc gần như ngay lập tức với những xu hướng và trào lưu mới trên thế giới. Điều này thật sự mang đến những lợi ích to lớn, khi các bạn trẻ có thể nhận thức được những gì đang diễn ra xung quanh mình. Nó thoả mãn nhu cầu không dứt trong việc tìm kiếm, trao đổi thông tin và học hỏi những điều mới diễn ra gần như hàng ngày trên thế giới. Không chỉ dừng lại ở giải trí, không chỉ dừng lại ở việc biết Kylie Jenner vừa tạo ra trào lưu đánh son đen, hay Taylor Swift đang hẹn hò với ai. Giới trẻ quan tâm hơn đến những trào lưu sống, những hoạt động sôi nổi của người trẻ nước ngoài, để rồi học hỏi và áp dụng cho chính mình.

Bên cạnh đó, sự cởi mở đến từ môi trường cũng tác động lớn đến cách lớp trẻ hiện đại thể hiện mình và theo đuổi những ước mơ lớn hơn. Nếu như cách đây nhiều năm, việc tham gia quá nhiều những hoạt động tập thể ngoài giờ học có thể khiến bố mẹ hay các thầy cô giáo không hài lòng, thì ở thời điểm hiện đại, việc đó đã được khuyến khích và tạo điều kiện để các bạn trẻ có thể thoải mái thể hiện sự sáng tạo và đam mê của mình.

Càng ngày, các thế hệ học sinh càng năng động, nhanh nhẹn hơn và có nhiều cái khiến mình thấy ngạc nhiên vì sự trưởng thành của các em.

Cô thấy là, càng theo thời gian, sự phát triển xã hội… thì các lớp học sinh đều có sự tiến bộ vượt bậc về nhận thức và sự năng động trong lối sống, trong tư duy, trong hành động. Cô dạy ở trường Việt Đức đã được 13 năm rồi. Và trong suốt quãng thời gian ấy, cô đều làm công tác Đoàn thanh niên, vậy nên rất gần gũi với các em. Học sinh Việt Đức nhìn chung đều rất nhanh trong mọi mặt, các em năng động, hoà đồng, học rất giỏi.

Ngày xưa, cha mẹ nghĩ con cái đi học hết giờ về mới là ngoan, nếu la cà, về muộn thì là không tốt, là hư. Nhưng thật ra vì ngày xưa không có nhiều hoạt động, không có nhiều các nhóm sinh hoạt cộng đồng, tập thể. Bây giờ, có những hoạt động không thể về sớm được, ví dụ ở trường cô có CLB Tình nguyện. Năm nào các em cũng có hoạt động đan len, đan khăn, áo cho người vô gia cư. Và khi đi phát quà, cả nhóm phải chọn thời điểm tối muộn. Vậy nên có những hôm, 10h30, 11h đêm rồi cô trò vẫn đang phóng xe ngoài đường. Tất cả những hoạt động ấy, bọn cô phải thông báo cho từng gia đình một, và may mắn là các phụ huynh đều rất là thông cảm. Rõ ràng, các bạn không hề hư, mà các bạn đang làm những công việc vô cùng có ích.

Có thể kể đến chuỗi sự kiện Made in 12 của các học sinh lớp 12 trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam. Là một người theo dõi chương trình từ đầu đến cuối, tôi đã thật sự dành trọn sự bất ngờ pha lẫn thán phục của mình cho các em, những cô cậu lớp 12 kém tôi gần chục tuổi. Chuỗi sự kiện diễn ra liên tục từ sau Tết cho đến tận đêm bế giảng, và được tổ chức quy củ đến mức, ngay cả hình hiệu chạy trên màn hình LED cũng khiến nhiều người làm chương trình phải thấy xấu hổ ( khi không thể làm đẹp được như các em).

Đào Chang

Thành viên ban truyền thông Made in 12 2016

Để có được một chương trình hoành tráng như vậy, cả team tổ chức đã chuẩn bị trong nhiều tháng, và thật ra đêm tri ân là hoạt động cuối cùng trong chuỗi những hoạt động được các em tổ chức liên tục từ tháng 2/2016. Bên cạnh đó, sự tin tưởng của nhà trường đã thật sự “tạo điều kiện” cho các em có thể thoải mái sáng tạo. Đào Chang là thành viên nhóm truyền thông, tham gia tổ chức chuỗi sự kiện Made in 12 năm vừa rồi của Hà Nội Amsterdam. Cô bé vui vẻ chia sẻ với tôi, khi được hỏi về khối lượng công việc mà nhóm của mình đã làm khi tham gia Made in 12.

“Chúng em mỗi người một việc, chỉ riêng truyền thông thôi cũng đã có nhiều mảng: Từ thông báo trên fanpage, cho đến thông báo tới các bạn ở ngoài, rồi design … tất cả đều là chúng em tự làm với nhau hết.” Chang nhẹ nhàng. “Chúng em học đến lớp 12 rồi và chị cũng biết đấy, ở trường Ams có rất nhiều hoạt động ngoại khoá. Bọn em làm nhiều lắm, từ những chương trình như show thời trang, tổ chức concert, nhạc kịch,… chương trình nào cũng rất nhiều khâu.” Cô bé bẽn lẽn trả lời khi được hỏi về… kinh nghiệm tổ chức những sự kiện của nhóm làm chương trình.

"Một tiết mục văn nghệ trong đêm Made in 12 đầy cảm xúc của cư dân trường Ams"

Hay như các bạn ở trường Việt Đức hẳn sẽ luôn nhớ đến cô Mai – cô giáo cố vấn Đoàn trường siêu cool và lúc nào cũng nhiệt tình tham gia, tạo mọi điều kiện để học sinh có thể thoải mái thể hiện sự sáng tạo và ý tưởng của mình. Nói chuyện với tôi, cô hào hứng kể về những CLB của trường Việt Đức mà theo cô là: Các trường khác phải ghen tị vì quá nhiều và hoạt động quá hấp dẫn. “Ví dụ như có một loạt các CLB đáng mơ ước, như CLB Tình Nguyện, CLB Bóng rổ, Bóng đá, CLB Tiếng Nhật, CLB Hip Hop, CLB MC hay CLB Đóng kịch, CLB Lãnh đạo trẻ - CLB thường xuyên tổ chức những hoạt động phòng chống bạo lực giới, bạo lực tình dục/thân thể và bạo lực tinh thần với giới nữ”. Sự đa dạng và hấp dẫn đó đã khiến tôi chỉ muốn mình có thể trẻ lại và theo học trường Việt Đức, bởi tôi chưa từng nghĩ rằng, sự quan tâm của các em lại nhận được nhiều sự khích lệ đến thế từ chính nhà trường. Và có lẽ rằng, chính các thầy cô cũng đã hiểu thấu và trân trọng những sự đam mê của các em, cũng như cách các em quan tâm đến những vấn đề xảy ra trong cuộc sống xung quanh mình.

Sẽ là rất sớm để nói về thành tựu thu được từ thế hệ vẫn còn trẻ măng này, nhưng chúng ta cũng có thể nhìn thấy được tiềm năng rõ ràng mà các em đang mang lại.

Trước đó, chúng ta đã nhìn được lứa 9x đời đầu đã làm được những gì khi bứt phá khỏi con đường sáo mòn mà xã hội từng áp đặt cho những người giỏi. Thành Trung - CEO của mạng xã hội siêu hot về quán xá Việt Nam – sinh năm 1992, học rất giỏi và từng theo học tại KAIST (Đại học hàng đầu của Hàn Quốc), đã bỏ ngang sau khi có ý tưởng về chính sản phẩm giúp cậu lọt vào danh sách Forbes 30 Under 30 của Việt Nam.

Hay tôi muốn nhắc đến Aiden Nguyễn, anh chàng cũng sinh năm 1992, không chịu “chỉ” làm một sinh viên giỏi, một nhà kinh doanh có tiềm năng, mà muốn lấn sân sang cả ngành giải trí. Khi mới chỉ 24 tuổi, đã trở thành ông chủ của một công ty giải trí, với dàn sao và loạt dự án đang dần có chỗ đứng trong lòng người yêu nhạc. “Tôi muốn thay đổi nền giải trí Việt Nam”. Đó là tham vọng của Aiden và rõ ràng, anh chàng này không hề tỏ ra nao núng khi theo đuổi nó.

Và danh sách của chúng ta vẫn còn rất dài, hãy nói về Helly Tống – một cô nàng hot girl đã rũ bỏ hình ảnh long lanh và cuộc sống nhung lụa của một người nổi tiếng để kinh doanh, và trở thành bà chủ của một dự án thú vị về cây xanh – Yên Concept. Dự án này xuất phát từ quan điểm của Helly về tình yêu thiên nhiên làm xanh mát tâm hồn, về thiền định và thói quen ăn chay trường.

Ngay cả trong giới hot girl, hot boy, hàng loạt những cái tên một thời thường được gắn với một thế giới phù phiếm, lãng xẹt… đang trở thành những người đi đầu, khởi tạo trào lưu mới và hiểu rõ hơn ai hết cách xây dựng hình ảnh cá nhân, cũng như kinh doanh từ chính hình ảnh đó một cách chuyên nghiệp. Chúng ta đang nói về Chi Pu, về Quỳnh Anh Shyn, về Salim hay mới đây là Châu Bùi, là Nga Wendy hay Julia Đoàn.

Quay trở lại với thế hệ 16-18 tuổi của năm 2016, giá trị mà sự thay đổi trong cách sống, trong quan điểm và trong tính cách của họ có thể mang lại là gì?

Đó là nó dần tạo ra một thế hệ tự tin, một thế hệ dám nghĩ và dám theo đuổi ước mơ của mình. Một thế hệ không ngại thử, không ngại sai, không ngại vấp ngã và phủi tay đứng dậy. Nếu hôm nay việc tôi làm có thể khiến tôi trắng tay, tôi sẵn sàng nằm khóc một đêm và ngày mai thức dậy sẽ làm lại từ đầu. Nếu con đường tôi chọn khó khăn và khác biệt, tôi sẵn sàng nhịn đói với nó, sống kham khổ với nó nếu tôi tin vào những gì tôi làm là đúng. Một thế hệ không ngừng sáng tạo, không ngừng học hỏi những cái mới và áp dụng lên chính cuộc sống của mình. Chính nhờ điều đó, họ dần hoàn thiện và không thể dậm chân tại chỗ. Một thế hệ không lấy bảng điểm để làm tiêu chuẩn đánh giá khả năng của mỗi người, mà thay vào đó là những trải nghiệm, là những chuyến đi, là quan điểm đúng đắn, là những hoạt động tuyệt vời mà mỗi người đã trải qua. Một thế hệ không chỉ biết học, mà còn biết hát, biết nhảy, biết kinh doanh, biết tranh luận, biết tìm hiểu và lo lắng với những vấn đề xã hội, biết phân tích, biết nghiên cứu thời sự, những gì đang diễn ra trên thế giới. Một thế hệ không chỉ biết về Toán, Văn, Anh, … mà còn thông thạo Khoa Học, kỹ thuật, công nghệ và cả nghệ thuật để nghiên cứu về Môi trường, về Kinh tế, về Thiên nhiên.

Đó là một thế hệ khao khát học hỏi, khao khát tìm tòi và khao khát va đập, can đảm đương đầu, để trưởng thành, và để mang đến những giá trị mới cho cuộc sống xung quanh mình.

Bài: Bích Diệp

Minh hoạ: Đạt Lê

Thiết kế: Tomaso Lee, Hoàng Nguyễn

Theo Trí Thức Trẻ