16 năm trước, nữ giảng viên Hà Nội đã có quyết định táo bạo khi bị chồng bạo lực tinh thần sau 3 ngày kết hôn

Ngân Hà, Theo Nhịp sống Việt 11:47 22/02/2021

Người phụ nữ này cho biết, khi kể câu chuyện của mình, chị không chủ ý đưa ra lời khuyên cho bất kỳ ai. Chị chỉ mong muốn câu chuyện đời mình sẽ phần nào trở thành động lực cho những ai không may mắn trong hôn nhân.

Cuộc hôn nhân nhiều nước mắt vì bị chồng bạo lực tinh thần chỉ sau 3 ngày kết hôn

Làm mẹ đơn thân là điều mà không người phụ nữ nào mong muốn. Nhưng có những ngã rẽ, họ buộc phải chọn cuộc sống một mình đóng nhiều vai.

Với chị Thanh Quý, 45 tuổi, hiện đang là giảng viên một trường Đại học tại Hà Nội, cách đây 16 năm, chị đã quyết định làm mẹ đơn thân khi đang mang thai đứa con đầu lòng.

Thời điểm mang thai, sinh con là lúc người phụ nữ mệt mỏi, yếu đuối, cần sự chăm sóc, động viên từ gia đình và người chồng nhất. Thế nhưng, với chị Thanh Quý, đó là chuỗi những ngày tháng nhọc nhằn, khổ sở vì cưới phải người chồng vô tâm.

16 năm trước, nữ giảng viên Hà Nội đã có quyết định táo bạo khi bị chồng bạo lực tinh thần sau 3 ngày kết hôn - Ảnh 1.

Chị Thanh Quý là một bà mẹ đơn thân xinh đẹp và bản lĩnh

Chị Thanh Quý kể: "Tôi sinh ra trong gia đình nề nếp, bố là công nhân, mẹ là giáo viên ở một vùng quê cách Hà Nội 40 Km. Gia đình không giàu nhưng tôi được học hành đến nơi đến chốn. Sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm, tôi được nhận vào giảng dạy tại một trường đại học.

Sau 5 năm, 2003, tôi kết hôn với anh. Anh hơn tôi 2 tuổi, sinh ra trong gia đình công nhân viên chức. Nhà anh không giàu nhưng một năm sau ngày chúng tôi cưới, bố mẹ anh mua cho hai vợ chồng tôi một căn nhà cấp 4 nhỏ. Ngay từ khi cưới tôi, đêm thứ ba trong tuần mà người ta gọi là trăng mật, anh đã bỏ đi chơi cả đêm.

Lúc tìm hiểu nhau, anh thương yêu, chiều chuộng bao nhiêu thì sau kết hôn tuy không vũ phu nhưng anh thường xuyên đi chơi bida, cá độ suốt đêm. Anh bỏ qua mọi lời khuyên của gia đình và vợ. Tôi gọi đó là bạo lực tinh thần.

Ba năm sống chung, anh đã "nướng" 7 cặp xe và điện thoại vào cá độ. Xe máy cũ chỉ khoảng 3 triệu đồng nhưng thời đó nó là con số lớn bởi lương giảng viên mới ra trường như tôi chỉ 500 ngàn đồng.

Thương anh nên khi anh không có xe đi, tôi lại đưa cho anh những đồng tiền tôi dành dụm được nhờ đi dạy thêm. Tôi nghĩ do chưa có con nên anh chưa tu chí, sau này anh sẽ khác. Đến giữa năm 2004, tôi có thai, cả anh và tôi đều vui mừng…"

Những tưởng sau chuỗi ngày tháng sống vô trách nhiệm với gia đình, chồng chị Quý sẽ thay đổi khi chuẩn bị làm bố. Thế nhưng, chị lần nữa hụt hẫng và thất vọng vì chồng vẫn chứng nào tật nấy, không hề thay đổi.

"Ván đã đóng thuyền" nhưng không ra gì thì vẫn phải gỡ

Làm mẹ đơn thân là vừa làm cha, vừa làm mẹ, vừa kiếm tiền, vừa giữ "lửa" với con, vừa phải mạnh mẽ đương đầu với định kiến, dư luận xã hội... Để làm được trọn vẹn những điều đó, người phụ nữ cần có sự quyết tâm, có ý chí, tự lập và bản lĩnh.

Và với chị Thanh Quý, có lẽ chính sự quyết đoán đã giúp chị mạnh mẽ lựa chọn con đường giải thoát cho bản thân khỏi cuộc hôn nhân đầy bi kịch, dẫu biết sẽ lắm nhọc nhằn, truân chuyên.

"Khi tôi mang thai con gái đầu lòng, anh vẫn không hề quan tâm vợ, vẫn hỏi "vay tiền" tôi. Tôi hoàn toàn không còn hy vọng về sự thay đổi ở con người này. Tôi quyết định vác bụng bầu ra khỏi nhà về chỗ hai em tôi đang trọ học ở Cầu giấy, Hà Nội.

Mẹ chồng tôi gọi điện khuyên: "Con là giáo viên, bỏ chồng người ta chê cười". Bà sợ tôi bỏ đứa con 3 tháng trong bụng. Chồng tôi thì nghĩ "ván đã đóng thuyền", tôi sẽ không dám bỏ anh ta.

Nhưng tôi quyết tâm: Ván đã đóng nhưng không ra gì thì gỡ. Thà tôi tự nuôi con một mình chứ không thể ở cả đời như thế này. Rất may, tôi được sự ủng hộ của bố mẹ, các em." - Bà mẹ đơn thân nhớ lại.

Sau khi khăn gói rời khỏi căn nhà mà chị Thanh Quý từng nghĩ sẽ là mái ấm nơi chị cùng chồng nuôi dạy các con, cùng nhìn các con trưởng thành và già đi cùng nhau… người phụ nữ 30 tuổi năm ấy quyết định bắt tay vào làm lại từ đầu.

Hành trình 16 năm làm mẹ đơn thân, tậu xe, mua nhà Hà Nội

Khó có thể kể hết những khó khăn, nhọc nhằn, những lúc cô đơn, chênh vênh mà người mẹ đơn thân này phải trải qua trong hành trình 16 năm một mình nuôi dạy cô con gái nhỏ.

Thế nhưng, ngắm nhìn chị Thanh Quý ở hiện tại, người phụ nữ 45 tuổi vẫn giữ được nét đẹp dịu dàng, duyên dáng. Chị đang có cuộc sống vô cùng hạnh phúc, êm đềm và thoải mái cùng con gái của mình, nay đã thành cô thiếu nữ 16 tuổi.

16 năm trước, nữ giảng viên Hà Nội đã có quyết định táo bạo khi bị chồng bạo lực tinh thần sau 3 ngày kết hôn - Ảnh 2.

Nếu không kể, ít ai biết chị Thanh Quý đã từng phải chịu đựng nhiều đắng cay như vậy. Sau nhiều chông gai, thử thách, thành quả ngọt ngào mà bà mẹ đơn thân Hà Nội có được khiến nhiều người phải trầm trồ, ngưỡng mộ

"Sau khi ly hôn, tôi thuê một cửa hàng trong ngõ nhỏ, nơi đông người thuê trọ, mở dịch vụ điện thoại. Công việc thuận lợi, tôi mở thêm một cửa hàng nữa cách đó không xa và thuê người trông coi.

Công việc giảng dạy không quá gò bó thời gian nên tôi có thể kinh doanh và dạy thêm. Đúng lúc ấy, mẹ đẻ tôi bị ung thư. Bản thân tôi phải tự lo cho mình. Sinh con xong, tôi ôm con quán xuyến hai quầy điện thoại, không dạy thêm nhưng vẫn có nguồn thu nhập ổn định.

Đến khi con được 19 tháng, tôi cho con đi nhà trẻ công lập, vừa duy trì dịch vụ điện thoại vừa dạy thêm.

Tiết đầu của trường là 6 giờ 40 sáng, mùa đông lạnh, tôi nhận dạy thay đồng nghiệp và được trả 600 ngàn đồng cho 6 tiết. Đương nhiên, tôi phải đưa con đến phòng bảo vệ lúc 6 giờ 30 đợi nửa tiếng mới đến giờ đón trẻ. 5 năm cháu học cấp một cũng như vậy."

Ban đầu, chị và con gái phải đi thuê nhà để có chỗ ở. Ước mơ cháy bỏng có nhà Hà Nội của chị Thanh Quý truyền sang cả cô con gái từ khi cô bé chỉ mới 3 tuổi.

"Nhớ khi con bé đủ lớn để biết rằng hai mẹ con đang phải thuê nhà, một hôm, khi đón con gái đi mẫu giáo về, con ghé tai mẹ thầm thì: "Mẹ ơi, hôm nay, có bạn cho con hạt kim cương. Mẹ cất đi. Khi nào đủ mẹ con mình mua nhà" - Chị Thanh Quý xúc động nhớ lại.

Lấy con gái làm nguồn vui sống và động lực, bà mẹ đơn thân xác định, những người phụ nữ có chồng làm 8 tiếng, chị sẵn sàng làm 16 tiếng.

Chị đi dạy thêm nhiều, buôn bán lặt vặt, góp vốn kinh doanh cùng với em trai. Chị chịu khó lao động, tiết kiệm, tâm lý bình thản đón nhận những điều không may, coi đó là thử thách và tin rằng không ai mất tất cả.

Quả thật, cô con gái chị lớn lên khỏe mạnh, không để mẹ phải lo lắng nhiều. Dù vất vả là điều dễ thấy, nhưng người phụ nữ này chọn biến vất vả thành... niềm vui, để nhẹ nhàng mọi thứ thường nhất.

"Sang tuổi 45 tuổi, tài sản của tôi là con gái 16 tuổi ngoan, xinh, học giỏi. Tôi đã bảo vệ luận án tiến sĩ, hai mẹ con đã có nhà riêng, có tài khoản tiết kiệm mà không cần bất cứ sự trợ giúp gì từ người đàn ông vô trách nhiệm và nợ nần vì chơi bời kia.

Trong công việc, tôi không muốn để người khác biết mình là mẹ đơn thân, không phải vì ngại ngùng hay xấu hổ mà tôi không muốn nhận sự thương hại, ưu ái chỉ chỉ vì hoàn cảnh. Tôi muốn được đối xử công bằng, khách quan, được tôn trọng là vì năng lực của tôi."

Dù đã đã trải qua những biến cố lớn nhất trong cuộc đời: Nuôi con một mình, không trợ cấp từ chồng cũ, bố mẹ đẻ không còn để có thể nương tựa về tinh thần, nhưng chị Thanh Quý đã tự đứng vững trên đôi chân của chính mình, để nuôi dạy con kiên cường, bản lĩnh theo cách của riêng mình

Qua câu chuyện đời mình, bà mẹ đơn thân không mong muốn đưa ra lời khuyên cho bất kỳ ai, chị Thanh Quý chỉ muốn nhắn nhủ đến những người phụ nữ vì lí do nào đó phải là mẹ đơn thân, rằng: "Mọi việc sẽ ổn khi ta thực sự quyết tâm".

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày