Nỗi khổ tâm của Gen Z: Chăm chỉ học tập và làm việc nhưng chẳng rõ mục đích sống của mình là gì, nên thành ra không hạnh phúc?

Ngọc Linh, Theo Nhịp sống thị trường 07:14 01/05/2024

Có một bộ phận Gen Z đang bị mất kết nối với chính mình và đương nhiên, điều này không phải một tín hiệu tốt.

Còn nhỏ thì đi học, học xong rồi thì đi làm - Chúng ta đều biết đây là một lộ trình phát triển cơ bản nhất với mỗi cá nhân, ở bất kỳ quốc gia nào. Điều này không có gì khó hiểu, vì muốn kiếm được (nhiều) tiền, người ta phải có kiến thức; mà để có kiến thức, đương nhiên là phải học.

Điều tưởng chừng là hiển nhiên, chẳng có gì đáng bàn cãi này, giờ đây lại trở thành một “nỗi khổ tâm” của Gen Z.

Học và làm trong vô định: Chẳng hiểu bản thân đang làm gì!

Một cuộc khảo sát được thực hiện bởi Gallup - Công ty nghiên cứu và tư vấn việc làm cho thấy: Mặc dù Gen Z nhìn có vẻ hạnh phúc nhưng thực chất, gần một nửa số người được hỏi cho biết họ đang cảm thấy hơi lo lắng - vô cùng lo lắng trong 3 hoàn cảnh:

(1) Khi so sánh bản thân với người khác.

(2) Khi nghĩ về tình hình tài chính cá nhân.

(3) Khi bị hỏi/tự vấn về mục đích của họ tại công ty/nơi làm việc/trường học.

Nỗi khổ tâm của Gen Z: Chăm chỉ học tập và làm việc nhưng chẳng rõ mục đích sống của mình là gì, nên thành ra không hạnh phúc? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Báo cáo cho thấy gần một nửa Gen Z tham gia khảo sát cho biết họ không thấy công việc hàng ngày của mình có gì thú vị hay quan trọng; cũng không truyền cho họ động lực sống. Tựu trung, một bộ phận Gen Z trong khảo sát của Gallup đang “bắt chước” người khác đi học, đi làm.

Bản thân họ không thực sự biết mình thích học và làm việc trong lĩnh vực nào nhưng không đi học, không đi làm thì cũng chẳng biết làm gì khác. Đó là một vòng luẩn quẩn chưa thấy hồi kết.

Gallup cũng chỉ ra những Gen Z đã trưởng thành (từ 18-26 tuổi), có trình độ học vấn từ Trung học trở lên, đã kết hôn và có con, có mức độ hạnh phúc cao hơn những người cùng lứa tuổi nhưng có trình độ học vấn thấp hơn và chưa lập gia đình.

Với nhóm Gen Z từ 18 đến 26 tuổi, 81% những người đã kết hôn khẳng định họ cảm thấy hạnh phúc; con số tương đương với nhóm Gen Z chưa kết hôn là 68%. 73% người có bằng cử nhân hài lòng, so với 59% những người chỉ có bằng trung học.

Gallup nhận định nền tảng học vấn và tình trạng mối quan hệ có thể là 2 nguyên nhân chính, tác động trực tiếp tới cảm giác vô định, mất kết nối với chính mình của Gen Z.

Nỗi khổ tâm của Gen Z: Chăm chỉ học tập và làm việc nhưng chẳng rõ mục đích sống của mình là gì, nên thành ra không hạnh phúc? - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Trong một nghiên cứu khác với gần 19.000 người trưởng thành, được công bố vào đầu tháng 4/2024, Gallup khẳng định mức độ gắn kết của nhân viên Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một thập kỷ. Chỉ 30% nhân viên toàn thời gian và bán thời gian cho biết họ đã làm việc liên tục mà không xin nghỉ phép ngày nào, trong quý đầu tiên của năm 2024 - ít hơn 4,8 triệu nhân viên so với cuối năm 2023.

Sự sụt giảm này rõ rệt nhất đối với Gen Z: Số lượng nhân viên toàn thời gian và bán thời gian xin nghỉ phép đã tăng 6% so với quý trước. Lý do của việc này, theo những gì Gallup thu thập được là họ ngày càng cảm thấy ít kết nối với văn hóa công ty của họ. Nhiều nhân viên chỉ làm việc trực tiếp nhưng có khả năng thực hiện công việc của họ từ xa cũng cho biết họ cảm thấy mình và công ty không có tính gắn kết.

Lối đi nào dành cho những Gen Z đang loay hoay trong vô định?

Các nhà nghiên cứu nhận thấy yếu tố có khả năng tác động, ảnh hưởng nhiều nhất tới mức độ hạnh phúc của một người là ý thức về mục đích trong công việc của họ.

Nỗi khổ tâm của Gen Z: Chăm chỉ học tập và làm việc nhưng chẳng rõ mục đích sống của mình là gì, nên thành ra không hạnh phúc? - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

"Điều quan trọng đối với Gen Z là liệu họ có cảm thấy cuộc sống của mình quan trọng hay không, đồng thời ngoài mục đích kiếm tiền, liệu họ có mong muốn, mục đích gì khác để giúp họ có động lực đi học, đi làm mỗi ngày?" - Zach Hrynowski, một trong những người thực hiện nghiên cứu của Gallup chia sẻ với CNN.

Nghiên cứu của Gallup khẳng định Gen Z cần cảm thấy cuộc sống của họ có ý nghĩa quan trọng để đạt được hạnh phúc.

“Ngủ đủ giấc và thư giãn là 2 yếu tố quan trọng mang lại hạnh phúc cho Gen Z. Nghiên cứu cho thấy những người ngủ đủ giấc mỗi đêm có khả năng mô tả bản thân là người hạnh phúc cao gấp đôi.

Ngoài ra, những Gen Z hạnh phúc, sống có mục đích thường là những người luôn nhận đủ tình yêu thương và sự hỗ trợ từ những người thân thiết (gia đình, họ hàng, bạn bè,...)” - Zach Hrynowski chia sẻ.

Theo Business Insider